Cơm cháy - Vị quê

28/05/2017 10:30

Khởi nguồn từ một món ăn dân dã thời cuộc sống còn khó khăn, giờ đây, cơm cháy đã có mặt trên những mâm cơm thịnh soạn của nhiều nhà hàng.



Món cơm cháy hai mặt hấp dẫn từ màu sắc đến hương vị

Phủ suốt một màu vàng ruộm, hương thơm đặc trưng của những hạt cơm già lửa khiến thực khách được sống lại với bao hoài niệm.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng của thị trấn Cẩm Giàng, chị Lưu Thị Thu (34 tuổi) vẫn giữ cho mình bí quyết chế biến những món ăn ngon trong gia đình do mẹ chị truyền lại. Chị Thu chia sẻ: “Các cụ ngày xưa khắt khe lắm. Đã là con gái thì phải biết việc nội trợ. Mẹ đã truyền lại cho tôi cách làm từ những món ăn đơn giản thường ngày đến những món cầu kỳ mỗi khi nhà có khách quý. Mẹ tôi thích nhất là món cơm cháy hai mặt và dặn phải luôn giữ gìn như một món ăn gia truyền”.

Cách làm món ăn này cũng khá đơn giản. Đầu tiên là công đoạn chọn gạo. Tốt nhất là gạo Bắc thơm vì loại gạo này hạt dẻo, thơm và ngọt. Trước đây, khi nấu cơm người ta thường nấu trong nồi gang và để già lửa một chút cho có cháy. Nhưng để làm món cơm cháy hai mặt, gạo phải được nấu thành cơm, để nguội cho hạt cơm khô và tơi khi chế biến.

Bí quyết quan trọng để tạo ra món ăn này nằm ở công đoạn tiếp theo. Chị Thu chia sẻ: “Muốn tạo ra cháy, phải cho một lớp mỡ hoặc dầu ăn mỏng tráng qua đáy nồi để tạo lớp vỏ giòn, vàng cho cơm, đồng thời giúp cơm không bị sát khi đảo mặt”.

Sau khi lớp mỡ đã nóng, sủi tăm nhẹ, chị Thu cho một lượng cơm vừa đủ vào nồi. Lúc này, việc sử dụng lửa là khâu then chốt quyết định sự thành công của món ăn. Lửa phải vừa đủ, không to quá sẽ cháy cơm. Còn nếu nhỏ quá, cơm sẽ bị nát. Cứ đậy vung như vậy trong thời gian khoảng 10 phút. Khi tiếng hạt cơm nổ tanh tách và thơm nồng cũng là lúc mặt cơm đã săn vàng. Nhưng đây mới chỉ là một nửa công đoạn. Việc tiếp theo là tạo ra mặt cơm cháy thứ hai.

Đặt tiếp một nồi gang thứ 2 lên bếp, chị Thu nhanh tay úp chiếc nồi cơm cũ lên trên. Phần cơm cháy vàng ruộm, tròn đều đã xuất hiện. Từng hạt cơm săn lại, bám vào nhau như một cánh đồng lúa chín. “Việc tạo mặt cháy thứ hai cũng tương tự như lần trước. Tuy nhiên lần này phải để lửa to hơn một chút và thời gian cũng nhanh hơn, chỉ khoảng 6-8 phút là được. Quan trọng nhất là động tác chuyển cơm phải dứt khoát để không bị vỡ”, chị Thu chia sẻ.

Món này ăn không cũng ngon lắm rồi. Tuy nhiên người dùng có thể sử dụng nhiều món ăn kèm. Đơn giản thì dùng thịt băm trưng mắm tép hoặc chấm với ruốc thịt. Cầu kỳ hơn thì ăn cùng thịt lợn kho tiêu hay thịt lợn kho tầu. Tất cả đều cho những hương vị không thể cưỡng nổi.

Dùng tay bẻ lấy một miếng cháy, chấm vào bát nước thịt rồi đưa lên miệng, một hương vị ngon, lạ đến khó tả lan tỏa, kích thích các vị giác của tôi. Đầu tiên là vị giòn, ngọt của cơm cháy, tiếp đó là hương thơm của gạo và vị hấp dẫn ngọt của nước thịt khiến tôi ăn mãi mà không biết ngán.

Chị Thu cho biết thêm, có nhiều cách để chế biến món cơm cháy hai mặt ở nhà. Nếu không có chảo gang chuyên dụng thì có thể sử dụng chảo rán bình thường. Khi cơm chín và để nguội, cho vào chảo chiên với dầu ăn. Điều cần chú ý là lượng dầu chiên nhiều hơn một chút và lượng cơm chiên ít đi một chút. Khi một mặt cơm đã vàng thì lật sang mặt sau chiên tiếp. Tất nhiên chế biến theo cách này món ăn sẽ bớt đi mùi thơm hấp dẫn và người ăn sẽ cảm thấy bị ngấy.

ĐỨC TÂM


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơm cháy - Vị quê