Cuộc sống này vốn nhiều bất ngờ và bất trắc mà. Thôi thì không lẽ đời cua cua máy, đời cáy cáy đào ư?
Ảnh minh họa
Khi xem cái clip một phụ nữ nọ bạo hành mẹ già hơn 70 tuổi, bên cạnh những comment phẫn nộ, lên án thì tôi vẫn đọc được ở đâu đó những ý kiến cho rằng chính mẹ già hơn 70 tuổi kia đã có lỗi khi không giáo dục con gái mình hiếu thuận.
Tôi bất giác cũng giật mình khi nhận ra rằng dường như cuộc sống hiện đại, nhiều cha mẹ đã quên chuyện dạy con hiếu thuận. Bởi trong cái lịch học thêm dày đặc của nhiều gia đình thì vẫn chỉ là những môn học như toán- lý- hoá- ngoại ngữ.
Có nhiều cha mẹ thì đầu tư thêm cho con học Piano, vẽ, khả năng thuyết trình, sáng tạo, lập trình. Vậy hiếu thuận lũ trẻ học ở đâu? Hiếu thuận có phải là đã được cài đặt mặc định trong mỗi con người khi sinh ra? Nếu nó là thứ tự học thì đâu có những đứa con bất hiếu?
Cách dạy con hiếu thuận chính là từ sự hiếu thuận của chúng ta với cha mẹ mình. Là cả mẹ chồng kỹ tính đến mẹ vợ quý hoá. Nên những cô con dâu nói về mẹ chồng không ra gì hay những anh con rể khinh khỉnh với mẹ vợ vốn là những vị giáo viên tồi.Nhiều bậc cha mẹ hẳn sẽ phản đối tôi rằng hiếu thuận là từ giáo dục của gia đình. Mình cứ thương con thì con ắt sẽ thương mình. Tôi thì nghĩ chính cha mẹ mới là người thầy của các con mình.
Thật khó để con cái học theo mai sau này đối xử lại với cha mẹ hiếu thuận được như cha mẹ chúng mong muốn. Cái cách chúng ta đang đối xử với cha mẹ mình hôm nay sẽ là cách con cái chúng ta đối xử với chúng ta mai này.
Hôm nay chúng ta gắt gỏng với cha mẹ mà chỉ nghĩ là một lời gắt không ác ý nhưng mai này lúc chúng ta đủ già, lời gắt của con có khi thành vết xước hằn trong trái tim cha mẹ. Là vì con ta đã học lời gắt gỏng đó từ ta chứ từ ai?
Rồi còn những lời chát chúa nữa mà hôm qua cha mẹ nói khiến ta đau lòng nhưng chính chúng ta hôm nay lại nói với con mình: Tôi nuôi các anh các chị ăn học tốn bao nhiêu tiền của không biết mai sau này có nên cơm nên cháo gì không, có nuôi được tôi ngày nào không. Liệu có đứa con nào nghe những lời đó mà nghĩ: Xét cho cùng vẫn là tiền.
Thứ bố mẹ cần chúng con chỉ là dựa cậy tuổi già. Lo cho chúng con là để mai này chúng con lo lại. Chỉ là một khoản đầu tư. Có đứa trẻ nào tiêu cực nghĩ vậy không? Và nếu nó nghĩ tiêu cực vậy, liệu việc chăm sóc chúng ta lúc chúng ta già cũng chỉ là trả cái nợ đồng lần? Xót xa thay! Chua chát thay!
Tôi còn mười vạn tám ngàn ví dụ khác để chứng minh với các bậc làm cha làm mẹ hiện tại rằng rất có thể, năm 2040, 20 năm nữa, chúng ta sẽ lại giống cụ bà hơn 70 tuổi kia, bị con bạo hành hoặc bị bỏ rơi, bạc đãi nếu chúng ta vẫn cứ sống như hiện tại, đối xử với con cái như món đầu tư, đối xử với cha mẹ chúng ta như một món nợ phải trả.
Cuộc sống này vốn nhiều bất ngờ và bất trắc mà. Thôi thì không lẽ đời cua cua máy, đời cáy cáy đào ư? Tích luỹ thật nhiều tiền vào để mai này nếu chúng nó đối xử với mình không ra gì thì mình cũng không bị chết đói. Thật ra tôi cũng biết nhiều người già đang tính thế. Họ không di chúc lại cho con lúc họ còn sống. Mọi khoản chỉ được “giải ngân” khi họ chết. Đến cả cái nhà cũng không sang tên sổ đỏ cho con. “Khi nào tao chết thì nó thuộc về mày”.
Nhưng nghe mà chua xót quá. Nghe mà phòng bị nhau quá. Tôi thì chẳng trông mong gì vào tài sản thừa kế vì bố mẹ tôi cũng chẳng có gì để lại cho tôi cả. Nhưng nhiều người thì hậm hực lắm. Bởi bố mẹ mãi chẳng chết để được tài sản thừa kế. Mà các cụ già rồi, sao không chia tài sản luôn. Định đến khi các con cũng già khú rồi mới chia thì làm sao còn cơ hội tiêu?
Không! Tôi thật lòng không mong mối quan hệ cha mẹ - con cái chỉ còn là mối quan hệ thừa kế tài sản như vậy. Tôi thật lòng không muốn lũ trẻ nhà tôi chăm sóc cha mẹ chỉ để được cha mẹ chia phần nhiều hơn. Tôi thật lòng không muốn yêu thương phụ thuộc vào số tài sản cha mẹ để lại cho con cái.
Nên thay vì gom góp tài sản tôi muốn vun trồng hiếu nghĩa hôm nay. Là truyền cho con lòng biết ơn chứ không chỉ là hiếu nghĩa. Một đứa trẻ học về lòng biết ơn sẽ tự khắc mà biết hiếu nghĩa với cha mẹ.
Là biết ơn không chỉ cha mẹ mà còn phải biết ơn mọi điều trong cuộc sống. Giáo dục một đứa trẻ lòng biết ơn là điều quan trọng nhất. Không phải chỉ là “bố mẹ hy sinh vì con nhiều lắm nên con phải biết ơn cha mẹ” mà là sự biết ơn với tất thảy những gì xảy ra trong cuộc đời chúng.
Như môi trường trong lành mà chúng có được là biết ơn những người lao công. Như kiến thức chúng có được là biết ơn những người thầy và cả những người giúp mình nhận ra cái hay, cái đẹp. Một đứa trẻ có nguồn cội mới là một đứa trẻ mạnh mẽ mai này. Có quê hương mới đi được xa hơn nữa. Có gia đình mới vững chắc tiến bước.
Tôi và vợ mình vẫn nỗ lực kinh doanh để có những khoản tài chính lo cho 3 đứa ăn học. Nhưng là để giúp chúng tạo ra chiếc cần câu chứ không phải mang cho chúng những con cá.
Không phải xếp tiền đủ cao để chúng leo lên hạng nhất mà là trang bị cho chúng những “vũ khí” tốt nhất để chúng bước ra đời có lợi thế hơn. Và dù thế nào, chúng tôi luôn tích luỹ một khoản cho tuổi già của mình.
Một tuổi già “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Chúng tôi muốn chúng tôi sẽ là những người già tự lập. Chúng tôi chia hết tài sản ngay khi các con lập gia đình mới để chúng có một khoản vốn cho gia đình nhỏ của chúng. Tất nhiên, chúng tôi cũng được chia số tài sản ấy để không phụ thuộc con cái.
Để chúng đến với cha mẹ vì chúng muốn gặp cha mẹ chứ không phải vì tài sản của cha mẹ còn bao nhiêu. Tôi vẫn cho rằng cha mẹ hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc. Chúng tôi cần đủ đầy và hạnh phúc thì con cái chúng tôi cũng sẽ hạnh phúc.
Hai người già tự lập là cách thể hiện lòng yêu con của chúng tôi. Không trở thành gánh nặng cho con cái chính là phần quà lớn nhất cho chúng. Mà muốn thế, từ hôm nay, đừng lên mạng cãi cọ nữa, hãy dành thời gian đó để luyện tập thể thao gìn giữ sức khoẻ, lao động hăng say để tích luỹ tài chính. Có sức khoẻ, có tài chính là hiếu thuận trở nên dễ dàng bao nhiêu. Vậy nhỉ?
Theo Vietnamnet