Các bệnh viện chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính đang gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải nỗ lực tìm cách tháo gỡ.
Bệnh viện Phổi Hải Dương là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên
Vướng cơ chế tài chính, đấu thầu
Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14.2.2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, từ đầu năm đến nay, đã có 5 cơ sở y tế trong tỉnh chuyển sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên gồm các bệnh viện tuyến tỉnh: Đa khoa, Phụ sản, Phục hồi chức năng, Phổi, Mắt và Da liễu. Từ chỗ được cấp ngân sách, nay chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự thu, tự chi, các bệnh viện đối mặt với không ít khó khăn.
Kinh phí hoạt động của các bệnh viện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ khám, chữa bệnh nhưng hiện nay việc thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) còn chậm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của các bệnh viện, nhất là chi trả lương, thù lao phẫu thuật cho cán bộ, nhân viên và trả tiền thuốc, vật tư tiêu hao cho các nhà thầu. Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nguồn tài chính của bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn do số tiền tạm ứng đến tháng 7 còn thiếu so với chi phí khám, chữa bệnh BHYT thực chi 5 tháng đầu năm 2018. Bệnh viện bắt đầu không tự cân đối được nguồn tài chính. Nếu kéo dài sẽ xảy ra nguy cơ không có nguồn để chi trả tiền lương, đóng bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên và thanh toán tiền thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất trả các đơn vị cung cấp. Hiện bệnh viện còn nợ tiền một số nhà thầu. Nguồn tài chính khó khăn ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các thầy thuốc, cán bộ, viên chức, người lao động trong bệnh viện.
Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản tỉnh, khi chuyển sang cơ chế tự chủ, bệnh viện chủ động trong việc hạch toán, bố trí, sắp xếp công việc. Tuy nhiên, hiện một số bộ, ngành chưa có hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành y tế nên lãnh đạo bệnh viện gặp một số khó khăn. Nếu trước đây, lãnh đạo bệnh viện chỉ làm công tác quản lý về chuyên môn, chăm sóc bệnh nhân thì nay phải chịu thêm áp lực từ việc phải cân đối thu-chi, tìm cách phát triển bệnh viện, có nguồn thu để chi cho các hoạt động thường xuyên. Việc mua sắm một số y cụ, dụng cụ văn phòng cần thiết lại phải chờ đấu thầu tập trung trong khi đó là những việc phát sinh theo nhu cầu. Ví dụ như lắp điều hòa cho các phòng bệnh cũng phải chờ đấu thầu tập trung, ảnh hưởng nhất định đến quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện Phụ sản tỉnh tìm hướng phát triển bằng cách mở các dịch vụ theo yêu cầu, nhưng điều kiện cơ sở vật chất lại khó đáp ứng. Nhiều khoa, phòng xây dựng cách đây hàng chục năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên ngập úng mỗi khi mưa lớn.
Thay đổi để đứng vững
Khắc phục các khó khăn trên đòi hỏi các bệnh viện phải tiết kiệm các khoản chi, thực hiện nhiều loại dịch vụ yêu cầu để tăng nguồn thu. Ngoài ra, các cơ sở còn phải tăng cường kiểm tra hồ sơ, sổ sách, bệnh án, hạn chế tình trạng xuất toán; liên kết với các bệnh viện tuyến Trung ương để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã mở rộng các loại hình dịch vụ yêu cầu, phối hợp mời các chuyên gia giỏi từ Trung ương về khám, chữa bệnh ngay tại bệnh viện. Đổi mới công tác kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn, giám định hồ sơ bệnh án, tránh thất thoát viện phí và BHYT; tính toán hợp lý trong mua sắm trang thiết bị, lựa chọn các nguồn xã hội hóa, lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đề nghị Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh xem xét tháo gỡ khó khăn trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT và tạm ứng kinh phí khám, chữa bệnh BHYT tại đơn vị.
Bệnh viện Phụ sản tỉnh đã học hỏi kinh nghiệm, cách làm từ một số đơn vị ở tỉnh bạn như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ… Nhận thấy năm 2018, bệnh viện có thay đổi lớn khi chuyển sang cơ chế tự hạch toán tài chính nên đơn vị đã chỉ đạo, vận động các cán bộ, nhân viên nêu cao tinh thần tự giác vì sự phát triển của bệnh viện, vì sự hài lòng của người bệnh. Tăng cường đầu tư, cải tạo, sửa chữa để khắc phục sự xuống cấp của cơ sở vật chất, ưu tiên phục vụ người bệnh. Trong đó, chú trọng đến các công trình vệ sinh, các phương pháp chống nóng, chống ngập; phát huy hiệu quả của trang thiết bị, máy móc; tăng cường quản lý thuốc, vật tư tiêu hao. Ngoài ra, bệnh viện đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng ứng xử, phục vụ bệnh nhân.
Theo ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế, khi chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính, các bệnh viện buộc phải thay đổi. Bệnh viện cần tích cực đầu tư về cơ sở vật chất, kỹ thuật, con người nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Theo lộ trình, các bệnh viện trong ngành y tế phải tiến tới tự chủ tài chính, trừ một số bệnh viện đặc thù như Bệnh viện Phong Chí Linh, Bệnh viện Tâm thần Hải Dương… Sở Y tế sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của các bệnh viện tự chủ nhằm tránh những hiện tượng tiêu cực như trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, tận thu của bệnh nhân bằng mọi cách.
HOÀNG QUÂN