Di tích

Cơ sở thờ tự ở Hải Dương sử dụng tiền công đức thế nào?

HẠNH HOA 09/06/2024 05:19

Công đức là thói quen của nhiều người khi đi lễ. Đây là khoản tiền tự nguyện của người dân với mong muốn đóng góp xây dựng cơ sở thờ tự. Vậy việc sử dụng tiền công đức tại các cơ sở thờ tự ở Hải Dương thế nào?

z5507664874216_6e4fe2a038fd96d1e941ef181c277681.jpg
Người công đức trực tiếp cho tiền vào hòm tại đền Tranh, xã Đồng Tâm (Ninh Giang)

Xây dựng quy trình quản lý chặt chẽ

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Tranh, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2009, được UBND tỉnh Hải Dương công nhận điểm du lịch năm 2024. Mỗi năm đền đón hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh. Để quản lý tiền công đức, Ban Quản lý di tích đền Tranh xây dựng quy định cụ thể.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Tranh, người dân đến công đức đều được ghi tên vào sổ và trực tiếp bỏ tiền vào hòm. Hòm công đức được khóa, dán niêm phong. Chìa khóa mở két do đại diện Ủy ban MTTQ xã giữ, khi mở hòm có đại diện HĐND xã, lực lượng công an xã giám sát... Ngay cả hòm công đức, Ban Quản lý cũng có biện pháp giám sát để chỉ đút tiền vào chứ không thể dùng dụng cụ lấy ra được. “Hằng năm, ban mời các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm soát việc sử dụng tiền công đức để kịp thời chỉ ra những hạn chế. Qua đó, việc quản lý tiền công đức của đền đi vào nền nếp, bảo đảm công khai minh bạch”, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Phúc nói.

Tại các ban thờ tự và khu vực để hòm công đức, Ban Quản lý di tích đền Sượt, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đều đặt camera giám sát. Khi mở hòm công đức và kiểm soát tiền đều có sự tham gia của thủ từ đền, kế toán và một Phó Chủ tịch UBND phường. Số tiền nhận được sẽ gửi vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng để phục vụ các hoạt động của đền.

z5507667141217_43e52de1e7568ecff39582bcfb7bba42.jpg
Nhiều nơi hòm công đức được khóa, dán niêm phong cẩn thận

Còn những hạn chế

Hải Dương vừa thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ năm 2023 tại 2.421 di tích lịch sử, văn hóa. Theo báo cáo của UBND tỉnh, số thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích ở Hải Dương hơn 277,7 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật. Tổng chi hơn 257,5 tỷ đồng, cho hoạt động quản lý, lễ hội; tu bổ, tôn tạo; từ thiện, nhân đạo; tuyên truyền, quảng bá lễ hội, di tích; an ninh trật tự, y tế, bảo vệ môi trường...

Đa số các cơ sở thờ tự đã mở sổ ghi chép thu, chi; một số di tích mở tài khoản tại ngân hàng để theo dõi việc tiếp nhận thu, chi. Việc kiểm đếm tiền được thực hiện thường xuyên và có sổ sách ghi chép đầy đủ, có sự giám sát của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý tiền công đức tại Hải Dương vẫn còn một số hạn chế. Dù có quy định nhưng tại nhiều nơi, công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền chưa sát sao trong quản lý, thu chi. Còn nhiều nơi chưa thành lập ban quản lý và xây dựng quy chế hoạt động, việc theo dõi tiền công đức, tài trợ còn mang tính nội bộ, mở hòm công đức chưa công khai, minh bạch. Có cơ sở tôn giáo chưa phối hợp trong việc cung cấp số liệu, thông tin, hồ sơ về quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ khi được yêu cầu. Đa số di tích có báo cáo thu, chi nhưng chỉ là khoản tiền trong hòm công đức. Thực tế có một số khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ, một số hình thức khác chưa được phản ánh…

Việc phân chia tỷ lệ nguồn thu tiền công đức cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để các cơ sở thờ tự thực hiện, trừ một số di tích cấp quốc gia.

Năm 2023, tổng số thu từ nguồn công đức, tài trợ bằng tiền của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (TP Chí Linh) trên 17,8 tỷ đồng. Việc quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định UBND tỉnh. Tại di tích đền Kiếp Bạc, đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán, trích lại 15% để chi cho hoạt động tạo nguồn thu, 85% nộp ngân sách nhà nước. Tại di tích Côn Sơn, trích 35% tổng tiền chi trả tiền dầu nhang, 15% cho hoạt động của Ban Quản lý, 50% nộp ngân sách nhà nước để đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích... Đối với số tiền cụ thể Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và Ban Quản trị chùa Côn Sơn được phép sử dụng, các đơn vị chi cho việc sắm lễ tiến Phật vào các ngày giỗ, lễ; chi công cho người ghi nhận công đức, bảo vệ trong khu vực nội tự; tu bổ di tích, mua sắm đồ thờ tự...

z5507657979752_ffe385ff2111be7266d478f545c4687c-b16ddd77d8d829941533bc8642bb188f.jpg
Từ số tiền công đức, nhiều công trình đã được tu bổ, tôn tạo

Theo quy chế tại di tích đền Tranh, 50% số tiền công đức được chi cho các hoạt động thường xuyên như: phụ cấp tổ bảo vệ, giúp việc; hỗ trợ thành viên ban quản lý di tích, các lực lượng được trưng dụng trong các dịp lễ hội, các sự kiện tại di tích; thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng... 50% còn lại được chi cho các khoản đặc thù như: tuyên truyền, quảng bá về di tích, treo, đặt biển, trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh, khuôn viên của đền...

Sở Tài chính đã đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Nội vụ hướng dẫn chi tiết quy định về thẩm quyền quản lý các di tích; thành lập ban quản lý di tích các cấp, xây dựng quy chế hoạt động. UBND cấp huyện, cấp xã phối hợp, hướng dẫn các ban quản lý di tích, người đại diện cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, chủ sở hữu di tích tư nhân theo dõi, quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ một cách khoa học, công khai, minh bạch, đúng theo quy định. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cân đối hỗ trợ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia đã xuống cấp, khi nguồn công đức, tài trợ có số thu không đáng kể. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa, quản lý thu, chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích...

HẠNH HOA
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ sở thờ tự ở Hải Dương sử dụng tiền công đức thế nào?