Trong lúc thị trường chứng khoán "đỏ lửa", hàng loạt cổ phiếu đầu cơ bị bán ra mạnh, nhiều nhà đầu tư không khỏi lo lắng khi bị giao dịch trong "bịt mắt", tái "nghẽn lệnh" mua bán cổ phiếu trên sàn HoSE.
Phiên đầu tuần 10.1 chứng kiến sàn HoSE tái "nghẽn lệnh", đồng thời nhiều cổ phiếu đầu cơ bị rớt giá mạnh - Ảnh: BÔNG MAI
Lại nghẽn lệnh
Ở phiên giao dịch chiều 10.1, giữa lúc thị trường chứng khoán đảo chiều lao dốc mạnh, nhiều nhà đầu tư phản ánh bị "bịt mắt", gặp khó khăn trong quá trình mua bán các cổ phiếu đang niêm yết trên HoSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh).
"Bảng giá ở các công ty chứng khoán đang bị đơ trong khi lệnh đặt của nhà đầu tư vẫn đang khớp. Mọi người chú ý trong giao dịch", nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán lớn gửi khuyến nghị đến khách hàng.
Một nhân viên tư vấn ở công ty chứng khoán khác cũng gửi cảnh báo: "Hiện tại lỗi từ HoSE mất kết nối với các công ty chứng khoán. Anh chị chú ý tỷ trọng tài khoản tại thời điểm này, tránh bịt mắt đi mua hàng quá rủi ro nhé".
Chứng kiến hơn 1,38 tỷ cổ phiếu/phiên được khớp lệnh trên HoSE, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset - cảm thán: "Kỷ lục của kỷ lục".
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thu hút dòng vốn đầu tư, khối lượng cổ phiếu giao dịch và thanh khoản đều tăng cao, sự việc sàn HoSE có khả năng tái nghẽn lệnh được nhiều chuyên gia dự báo trước.
Tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm mới (4.1), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết "chiến dịch" 100 ngày đã kịp thời thành công xử lý nghẽn lệnh trên sàn HoSE, nâng giới hạn xử lý lên 3 triệu lệnh/ngày.
Tuy nhiên, đến nay "room" đã đạt khoảng 2,5 triệu lệnh/phiên, nếu không nhanh chóng cải tiến thì sẽ tiếp tục nghẽn mạch trong tương lai gần.
"Chúng ta cần nhanh chóng triển khai gói thầu để mở rộng và luôn luôn đón đầu, không để hệ thống giao dịch bị nghẽn mạch, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho thị trường chứng khoán", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo HoSE, bàn với Chủ tịch FPT để nhanh chóng mở rộng và đón đầu chống nghẽn mạch, bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi nhất để thị trường chứng khoán thông suốt, phát triển.
Dòng tiền rút khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ
Trong phiên giao dịch đầu tuần, hàng loạt cổ phiếu như GAS (PetroVietnam Gas), BCM (Đầu tư và phát triển công nghiệp), NVL (Novaland), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), POW (Điện lực dầu khí Việt Nam), DIG (Đầu tư phát triển xây dựng)... bị rớt giá mạnh, gây áp lực lên VN-Index.
Sau hàng loạt phiên kéo tăng và tăng trần, hôm nay cổ phiếu của CEO (Tập đoàn C.E.O) bị rơi xuống giá sàn. Trước đó cổ phiếu này bị SBS cảnh báo rơi vào vùng "nguy hiểm" vì bị thổi phồng quá mức bởi dòng tiền đầu cơ.
Nhiều cổ phiếu khác như ROS (Xây dựng FLC Faros), FLC (Tập đoàn FLC), SDJ (Sông Đà 25)... cũng bị giảm mạnh, sau khi "kéo" giá trong thời gian dài.
Trong lúc thị trường "đỏ lửa", cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines), HAG (Hoàng Anh Gia Lai), VRE (Vincom Retail), Vietinbank (CTG), VIC (Vingroup)... lội ngược dòng và chống đỡ thị trường.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 24,177 điểm (-1,62%) xuống 1.503,71 điểm. Rổ VN30 cũng bị giảm 17,54 điểm (-1,14%) xuống 1.514,70 điểm.
Về sàn HNX bị rớt 10,95 điểm (-2,22%) xuống 482,89 điểm. Chỉ số sàn UPCoM bị giảm 1,3 điểm (-1,12%) xuống mốc 114,3 điểm.
Quan sát diễn biến giao dịch, ông Huỳnh Minh Tuấn nhận định: "Thị trường hiện tại không có tin gì xấu về vĩ mô, đơn giản là một phiên xoay chuyển của dòng vốn đầu cơ đã cảnh báo nhiều".
Đóng cửa phiên, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường, bao gồm 3 sàn chính HoSE, HNX và UPCoM đạt hơn 50.117 tỷ đồng, tương đương 2,2 tỷ USD. Riêng nhà đầu tư ngoại bán ròng hơn 410 tỷ đồng.
Theo Tuổi trẻ