Cuối ngày 11.11, giá vàng miếng SJC đã chính thức chạm ngưỡng 60 triệu đồng/lượng sau hơn một năm rơi khỏi ngưỡng này.
Giá vàng đang cao hơn giá thế giới 6,7 triệu đồng/lượng
Nhiều dự báo khả năng giá vàng về mức đỉnh 62 triệu đồng/lượng không còn xa, dù giá vàng thế giới đang thấp hơn 203 USD/ounce (khoảng 5,56 triệu đồng/lượng) so với tháng 8.2020.
Giảm chênh lệch mua/bán để hút người mua
Lúc 17 giờ ngày 11.11, giá vàng thế giới ở mức 1.863 USD/ounce (tương đương 53,3 triệu đồng/lượng quy đổi). Tuy nhiên, giá bán vàng miếng SJC tại Công ty SJC lên đến 60 triệu đồng/lượng, còn giá mua vào ở mức 59,3 triệu đồng/lượng, cao hơn 6,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Giá bán vàng miếng SJC cũng cao hơn giá bán vàng nhẫn 9999 đến 6,85 triệu đồng/lượng. Tại Công ty PNJ và các tiệm vàng, giá bán vàng miếng SJC cũng vọt lên 60 triệu đồng/lượng nhưng chênh lệch giá mua - bán tại các tiệm vàng được kéo gần hơn so với các công ty vàng lớn, phổ biến ở mức 400.000 đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng trong nước chỉ thấp hơn là 2,2 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh cao nhất mọi thời đại được xác lập vào ngày 7.8.2020, với 62,2 triệu đồng/lượng - thời điểm mà giá vàng thế giới cũng lập kỷ lục với 2.066,7 USD/ounce.
Ghi nhận cùng ngày cho thấy giá vàng trong nước bắt đầu tăng vọt từ buổi chiều khi giá vàng thế giới tăng từ mức 1.850 USD/ounce lên 1.863 USD/ounce.
Cẩn thận với dự báo giá vàng
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), cho rằng khác với năm 2020, khi giá vàng trong nước tăng lên từ mặt bằng giá thấp, còn năm nay giá vàng trong nước neo ở mức khá cao suốt mấy tháng qua.
Khi đó, người nắm giữ vàng sẽ tăng bán ra khiến cho giá vàng trong nước giảm nhanh so với mức giảm của giá vàng thế giới.
Trong trường hợp có thay đổi về chính sách khiến cho giá vàng trong nước và thế giới liên thông thì giá vàng trong nước cũng sụt nhanh, dẫn đến người mua vàng giá đắt hiện nay bị thua lỗ.
Tuy nhiên, hiện nay các thông tin về sức mua trên thị trường vàng rất "mù mờ" vì gần như không ai biết được nguồn cung cũng như quy mô sức mua trên thị trường vàng.
Thực tế nhiều năm qua, không còn thấy Ngân hàng Nhà nước bán vàng ra thị trường vàng hay cho nhập khẩu vàng để dập vàng miếng. Trong khi đó, vàng lậu nhập từ biên giới đã bị "phong tỏa" do đang diễn ra những vụ án chống buôn lậu vàng và cơ quan chức năng kiểm soát chặt biên giới để chống COVID-19.
Khi vàng lậu khó về, chỉ cần có một nhu cầu mua nhỉnh hơn bình thường cũng đủ tạo sóng trên thị trường vàng. Mặt khác, cũng do "phong tỏa" nên giá vàng trong nước không còn liên thông với giá thế giới, đó là những rủi ro cho người mua vàng.
USD tự do nhảy giá Ngày 11.11, giá USD tại các ngân hàng dao động ở mức 22.730 đồng/USD (bán ra) và 22.530 đồng/USD (mua vào). Tuy nhiên, giá USD tự do bán ra là 23.400 đồng/USD, mua vào 23.300 đồng/USD. Tuần trước, có thời điểm giá USD tự do lên mức 23.500 đồng/USD. Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng giá USD liên tục giảm thời gian gần đây do nguồn cung USD trong ngân hàng rất dồi dào. Việc giá USD tự do tăng có thể do giới kinh doanh gom USD để nhập vàng qua đường biên mậu. Trong thực tế, nhu cầu mua USD của người dân không cao do giữ USD không lợi bằng VND vì lãi suất USD bằng 0 và giá USD năm nay có xu hướng đi xuống so với đầu năm. |
Theo Tuổi trẻ