Từ địa đạo dưới lòng đất, dân quân du kích thôn Cậy đã nhiều lần chặn đứng nhiều cuộc càn quét của giặc...
Đường vào thôn Cậy có địa đạo ngầm rất nhỏ hẹp và dích dắc, chỉ rộng khoảng 1m
Ảnh: Thành Chung
Đi tìm dấu tích địa đạo xưaNhận được thông tin về địa đạo ngầm này, chúng tôi đã tìm về làng gốm Cậy để tìm hiểu thực hư. Người đầu tiên mà chúng tôi gặp là ông Vũ Bá Thảo, 79 tuổi, thủ từ đền Cậy, một trong những du kích đã từng tham gia xây dựng và chiến đấu tại địa đạo ngầm này. Ông Thảo tuổi đã cao song vẫn còn nhớ rõ những ký ức của thời xa xưa. Ông kể: “Khoảng năm 1952 - 1953, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào thời kỳ gay go ác liệt, làng Cậy là vùng kháng chiến. Bốn xung quanh đền có đồn bốt giặc án ngữ. Vì là vùng kháng chiến nên thôn Cậy thường xuyên bị giặc Pháp bắn đại bác và mở các cuộc càn quét. Cả ngôi làng trù phú, sầm uất với những nhà ngói cổ san sát bị đạn pháo của giặc san phẳng. Để chống càn, đơn vị dân quân du kích của xã đã đào địa đạo ngầm trong làng. Đào được đến đâu lại dùng gạch của các nhà bị đổ nát xây hai bên thành và cuốn vòm rồi lại lấp đất lên. Khi đó là du kích tôi cũng trực tiếp tham gia gánh gạch. Cứ thế, độ gần nửa năm, địa đạo được xây dựng thông suốt từ đầu đến cuối làng với chiều dài khoảng 1km”.
Chúng tôi được ông Trần Huy Điển, 85 tuổi, nguyên Bí thư xã Long Xuyên dẫn đi tìm lại dấu địa đạo xưa. Ông Điển cũng là một trong những người viết Lịch sử đảng bộ xã Long Xuyên. Đường vào làng Cậy nhỏ, hẹp và dích dắc. Ông Điển cho biết, với quân ta đường làng ngõ xóm đã trở nên quen thuộc. Thế nhưng ngày đó, khi giặc Pháp tấn công vào làng chúng sợ bị lạc nên phải lấy phấn đánh dấu mũi tên trên tường nhà. Lúc rút ra chúng lại lần theo đuôi mũi tên mà ra. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Điển bị thương và được cử làm công tác Văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Long Xuyên. Theo ông Điển, địa đạo được khởi xây tháng 6-1952. Chiều cao đủ cho người đi lại bên dưới, bề rộng khoảng gần 1m, vị trí rộng nhất khoảng hai cái chiếu, chạy thông suốt từ đầu làng đến cuối làng với 4 cửa lên xuống. Tất cả các cửa hầm này đều được ngụy trang bí mật. Ngoài ra, các gia đình trong làng cũng đào rất nhiều các đường nhánh ăn thông với địa đạo để trú ẩn. Nay những đoạn địa đạo hầu như đã bị các công trình nhà ở của dân xây chồng lên. Dừng trước cổng một gia đình trong xóm nhà mình, ông Điển cho biết: “Vị trí này chính là một trong những cửa hầm năm xưa. Mỗi khi du kích xuống hầm, mẹ tôi lại đi đậy nắp ngụy trang”. Ông Điển cung cấp thêm: Vào mồng 3 Tết năm 1953, khi giặc Pháp bí mật tấn công vào làng, vì không kịp sơ tán, cả làng đã phải xuống ẩn náu dưới địa đạo này. Sau một ngày lùng sục không phát hiện được gì, cuối cùng giặc buộc phải rút đi. Tháng 3-1953, giặc càn vào làng và phát hiện được cửa hầm. Chúng đã dùng bộc phá đánh sập trên 50m song quân ta ở dưới vẫn bình an vô sự.
Ông Trần Huy Điển (85 tuổi), nguyên Bí thư xã Long Xuyên giới thiệu 1 trong 4 cửa địa đạo chính
hiện đang ở vị trí gia đình con trai út cụ Phạm Văn Hữu, nguyên Trưởng ban Hành chính thôn Cậy
Từ địa đạo dưới lòng đất, dân quân du kích thôn Cậy đã nhiều lần chặn đứng nhiều cuộc càn quét của giặc. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ chống Pháp, xã Long Xuyên đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cần được quan tâm nghiên cứuÔng Vũ Đình Bình, Bí thư Đảng ủy xã Long Xuyên cho biết: Địa đạo và các trận đánh tại làng Cậy đều được ghi chép cụ thể trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã. Hiện chỉ còn một cửa hầm nguyên vẹn duy nhất nằm trên đất của gia đình ông cụ Tổng Gạo. Nay ông cụ đã mất, con cháu cụ sống ở TP Hải Dương, ngôi nhà xưa vẫn đóng cửa để đó.
Mảnh đất gốm Cậy vốn đã ẩn chứa trong nó những giá trị lịch sử, văn hóa từ nhiều đời. Việc có một địa đạo ngầm trong lòng đất lại một lần nữa khẳng định thêm giá trị lịch sử của mảnh đất này. Mong muốn chung của nhân dân nơi đây là những giá trị lịch sử được nhìn nhận thỏa đáng. Ông Phạm Minh Đức, Trưởng thôn Cậy cho biết: "Câu chuyện về địa đạo ngầm dưới lòng đất chúng tôi đã được nghe các cụ kể từ rất lâu rồi. Hồi nhỏ chúng tôi cũng từng được người lớn dẫn ra xem cửa hầm song vì sợ rắn rết nên không dám chui vào. Qua thời gian, không còn ai để ý nên địa đạo bị lãng quên. Nay thông qua các nhân chứng lịch sử đã từng tham gia xây dựng địa đạo còn sống, thôn đang có kế hoạch tìm lại các cứ liệu lịch sử liên quan để đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu. Kế hoạch từ nay đến năm 2015, thôn sẽ xây dựng một khu trung tâm văn hóa gồm 3 hạng mục: nhà truyền thống của thôn trưng bày các hiện vật liên quan đến các thời kỳ kháng chiến, phục dựng mô hình của địa đạo năm xưa, khu trưng bày về nghề sản xuất gốm Cậy cổ truyền để giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ và phát triển du lịch".
Còn theo ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, địa đạo ngầm ở làng gốm Cậy được biết cách đây không lâu. Nếu địa đạo này có thật sẽ là một chứng tích lịch sử quan trọng trong kháng chiến chống Pháp không chỉ của tỉnh ta mà còn của cả nước. Trước tiên cần tổ chức các hội thảo khoa học để xác minh tính xác thực, tìm kiếm các địa điểm, vị trí. Tiếp đó, cần có các cuộc nghiên cứu khoa học, khảo sát, khai quật khôi phục lại một số đoạn địa đạo cùng cửa hầm phục vụ cho công tác nghiên cứu và giáo dục truyền thống, thu hút du lịch. Khi di tích đã được khẳng định giá trị cũng cần bổ sung vào các tư liệu lịch sử của tỉnh.
Bí ẩn còn nằm dưới lòng đất. Để các giá trị lịch sử được sáng tỏ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, sớm có những nghiên cứu, kết luận.
NGỌC HÙNG