Cổ kính đình Phạm Xá

24/03/2021 09:40

Đình Phạm Xá ở thôn Phạm Xá, xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương) là một công trình văn hóa, kiến trúc cổ kính mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật.


Đình Phạm Xá tọa lạc trên một khuôn viên cao ráo, thoáng rộng

Kiến trúc cổ

Đình Phạm Xá tọa lạc trên một khuôn viên cao ráo, thoáng rộng. Trải qua thời gian, tên gọi của vùng đất này cũng có nhiều thay đổi. Vào cuối thế kỷ XIX, Phạm Xá thuộc huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang. Đầu thế kỷ XX, Phạm Xá là một làng thuộc tổng Mỹ Xá, huyện Tứ Kỳ. Sau tổng tuyển cử năm 1946, Phạm Xá là một thôn của xã Ngô Sơn, huyện Tứ Kỳ. Tháng 2.1949, các xã Ngô Sơn, Mỹ Ngọc sáp nhập lấy tên là xã Ngọc Sơn. Phạm Xá là một trong ba thôn của xã Ngọc Sơn. Năm 2019, xã Ngọc Sơn được sáp nhập về TP Hải Dương.

Ngọc Sơn là vùng đất cổ, có khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa gồm 4 ngôi đình, 4 ngôi chùa, 1 ngôi miếu và 1 ngôi nhà thờ. Trong hệ thống di tích lịch sử, văn hóa của xã, đình Phạm Xá là một công trình văn hoá tâm linh rất uy nghi để thờ Thành hoàng và là nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của dân làng.

Theo hệ thống bia ký tại di tích, đình Phạm Xá khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII), trùng tu, tôn tạo khang trang vào các năm Tự Đức 28 (1875), Tự Đức 34 (1881) và Gia Long 11 (1812). Công trình hiện nay kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, quy mô lớn, chất liệu khung vì bằng gỗ lim quý hiếm. Tòa đại bái xây đao dĩ với bốn đầu đao cong, đắp nổi phù điêu rồng chầu phượng mớm, chính giữa bờ nóc là bức biển tự với ba chữ Hán “Tối linh từ”, hai đầu nóc là hai con kìm, tạo thế uy nghiêm cho di tích. Kết cấu khung vì nội thất bên trong tòa nhà được kiến tạo gồm 6 vì kèo, với ba phong cách khác nhau, trong đó hai vì gian trung tâm kiểu chồng rường với nhiều bức cốn chạm khắc sinh động đề tài độc long, hổ phù, ngư long hý thủy, lá lật... Đặc biệt, đấu gòi được các nghệ nhân dân gian kiến tạo thành hình tượng nghê đỡ thượng lương rất độc đáo.

Khác với hai vì kèo gian trung tâm, hai vì kèo gian bên lại có lối kết cấu kẻ liền bảy chồng rường, toàn bộ các xà nách, con rường được các nghệ nhân khéo léo thay bằng hệ thống kẻ dài nối từ đầu cột cái xuống đầu cột quân, vừa tiết kiệm nguyên vật liệu vừa tạo ra không gian khoáng đạt cho nơi thờ tự. Đây là lối kết cấu thường gặp tại các công trình kiến trúc thời hậu Lê. Các bức chạm ở hai vì kèo này thể hiện đề tài lá lật đơn và lá lật liên hoàn nối tiếp.

Hai vì kèo gian dĩ hạ khoảng, cột góc lớn liên kết chặt chẽ với vì kèo gian bên qua hệ thống kẻ góc, xà đùi, đấu...

Nối liền phía sau tòa đại bái là tòa hậu cung thông qua kẻ xối, kết cấu vì kèo kiểu kẻ chuyền với lối bào trơn đóng bén mang phong cách kiến trúc của thời Nguyễn. Hệ thống móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống.


Chạm khắc nghệ thuật thời hậu Lê tại vì kèo tòa đại bái

Niềm tự hào của người dân địa phương

Trải qua thời gian, chiến tranh, ngôi đình Phạm Xá hiện nay vẫn còn lưu giữ được kiến trúc cổ kính với những mảng chạm khắc nghệ thuật tinh xảo, đan xen giữa hai thời kỳ Lê - Nguyễn độc đáo và là niềm tự hào của người dân địa phương. Cùng với công trình kiến trúc, trong đình còn nhiều tài liệu, hiện vật quý có giá trị về mặt lịch sử và niên đại gồm 1 quyển thần tích bằng chữ Hán, 13 đạo sắc phong, 4 cỗ kiệu thờ, 3 bức đại tự, 1 đôi câu đối, 1 chuông đồng và 4 tấm bia đá. Trong những năm gần đây, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công, góp của với kinh phí hàng trăm triệu đồng để trùng tu, tôn tạo, nâng cao nền, đảo ngói, trám vá tường, mở rộng không gian sân vườn của di tích, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của địa phương.

Nội dung cuốn thần phả do Lý trưởng Đặng Đức Long thừa khai vào ngày 20.12 năm Tự Đức 29 (1876) cho biết, đình Phạm Xá thờ bốn vị Thành hoàng, trong đó có Đức thánh Kiệu Tứ, tức Nguyễn Công, tự Minh Biện, hiệu là Hữu Chính Phủ Bình, tổ tiên người làng Phạm Xá, có công xây dựng đất nước vào triều Lê, trải qua các triều đại phong kiến đều được ban tặng sắc phong và cho phép nhân dân bản xã thờ tự lâu dài.

Hằng năm, ngoài những ngày sóc, vọng, lễ, Tết... nhân dân tín ngưỡng chiêm bái, lễ hội truyền thống tưởng nhớ công ơn các Thành hoàng được chính quyền và người dân địa phương tổ chức trọng thể, diễn ra trong hai ngày từ 14 - 15 tháng giêng với các hình thức tế, rước kiệu từ đình ra miếu... và nhiều trò chơi dân gian kéo co, cờ tướng, đập niêu.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đình Phạm Xá không chỉ là nơi thờ phụng người có công với nước, với dân mà còn diễn ra các sự kiện quan trọng của địa phương như nơi thành lập chính quyền nhân dân; hội họp, hoạt động của phong trào cách mạng và cứu chữa thương binh; nơi tập kết, tiễn đưa hàng trăm con em địa phương lên đường chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trong những năm chống chiến tranh phá hoại miền Bắc (từ 1965 - 1970), đình là kho vũ khí, tiếp tế đạn pháo cho các trận địa phòng không của tỉnh, nơi hội họp, làm việc của chính quyền địa phương...

Với những nét độc đáo về kiến trúc, những giá trị về lịch sử, nghệ thuật còn lưu giữ, đình làng Phạm Xá sẽ là một điểm đến tham quan, chiêm bái của du khách gần xa.

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ kính đình Phạm Xá