Cổ kính chùa Cả

10/05/2020 21:03

Chùa Cả ở xã Tân An (Thanh Hà) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994. Nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý.

Tượng Phật A Di Đà làm bằng chất liệu gỗ

Kiến trúc đẹp

Chùa Cả có tên chữ là Đại Từ Khâm Thiên tự. Theo sử sách, chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, trùng tu lại với quy mô rộng từ năm 1881. Chùa Cả thờ vua Lý Nhân Tông. Tương truyền vua Lý Nhân Tông từng đóng đồn nơi đây để đi đánh giặc. Chùa còn thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông mà nhân dân ở đây tôn là Thánh. Do đó, chùa Cả có hai chức năng vừa là đền, vừa là chùa.

Chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian tiền đường dài 21 m, rộng 7,5 m và 3 gian hậu cung dài 10,9 m, rộng 8,5 m. Điểm khác biệt của chùa Cả là tòa tiền tế có kiến trúc như ở đền, các góc đao cao vút, các bức phù điêu hình rồng được bàn tay khéo léo của nghệ nhân xưa chạm khắc tinh xảo...

Hằng năm cứ vào ngày 30.10 và 1.11 âm lịch, xã Tân An lại tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông và vua Lý Nhân Tông, cầu cho mưa thuận gió hòa, sản xuất thuận lợi, cuộc sống của người dân ngày càng sung túc. Vào những ngày này, nhiều người xa quê hương cũng về hội chùa.

Từ khi xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đến nay, ngôi chùa đã được trùng tu, tôn tạo lại với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Số tiền này do người dân nơi đây và du khách thập phương công đức, đóng góp. Nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công để tu sửa, xây dựng các hạng mục công trình trong khuôn viên chùa. Đến nay, khu di tích đã khang trang hơn nhưng vẫn giữ được hồn cốt linh thiêng, cổ kính. Chùa hiện có thêm tòa tam quan, phục hồi một số pho tượng, đồ thờ tự. Trong sân chùa đặt nhiều cây cảnh, hoa, tạo không gian tĩnh lặng, trong lành, hấp dẫn du khách. 

Bà Nguyễn Thị Ngoan ở thị trấn Thanh Hà cho biết, ngày rằm, mùng1 hằng tháng bà đều sửa soạn lễ đến dâng hương ở chùa Cả. Gần nhà cũng có chùa, nhưng sau một lần đến xã Tân An chơi và tham quan chùa, bà Ngoan đã gắn bó với ngôi chùa này. Gần chục năm nay, bà vẫn đều đặn đến lễ chùa Cả. 

Tháp đá cổ cao 5 tầng  là những cổ vật  quý ở chùa Cả 

Nhiều cổ vật quý

Chùa Cả còn lưu giữ nhiều cổ vật quý. Người có công gây dựng, phục hồi lại một số hạng mục của ngôi chùa là sư thầy Thích Quảng Nghiêm, hiện là trụ trì chùa. Chùa trước đó chưa có người chính thức trụ trì mà giao cho địa phương quản lý. Năm 2012, thầy Thích Quảng Nghiêm về tiếp quản chùa, trong khuôn viên còn nhiều chỗ bị bỏ hoang. Sau khi tiếp quản, sư thầy Quảng Nghiêm đã phân loại từng cổ vật và gìn giữ cẩn thận. Ngôi chùa còn giữ được tượng Phật A Di Đà cao gần 2,7 m (không kể bệ và đài sen). Đây là một trong những pho tượng gỗ cổ lớn của cả nước. Tượng được tạo dựng dưới thời Nguyễn, ghép liền nhau bởi những mảnh gỗ mà nhìn qua khó có thể nhận biết chỗ ghép nối. Tượng Phật với tư thế ngồi tọa thiền trên đài sen. Tuy có từ lâu đời nhưng nước sơn và chất liệu gỗ mít vẫn còn bền bỉ theo thời gian, chưa có dấu hiệu bị mục.

Khách thập phương đến ngôi chùa này rất thích thú khi nơi đây còn lưu giữ 1 tháp đá cao 5 tầng ngay trước tiền đường. Hai tầng trên của tháp đá uốn đầu hình mai luyện, bốn góc uốn cong hình đầu long, trên đỉnh tháp có hình đài hoa đặt trên những cánh hoa sen đang nở. Đây cũng là tháp đá cổ quý hiếm mà ít chùa có được. Theo người già trong làng, chính tháp đá là nơi đặt xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trong khuôn viên chùa còn có nhiều tháp lăng mộ của các trụ trì qua nhiều đời, được chạm khắc với những đường nét cầu kỳ. Chùa còn có 5 tấm bia đá quý có giá trị, niên đại từ năm 1874-1933 ghi lại dấu tích từng thời kỳ lịch sử bằng tiếng Hán. Bên giếng chùa có đôi cá sấu đá từ thế kỷ 17 do nghệ nhân xưa chạm khắc, đường nét tinh tế. Chùa còn lưu giữ 11 sắc phong từ thời Lê, thời Nguyễn và 1 chiếc chuông đồng cao 1,2 m, đường kính miệng 56 cm. Trên chuông có chạm khắc những bài vịnh ca ngợi cảnh đẹp của chùa và người công đức đúc chuông.

Thầy Thích Quảng Nghiêm cho biết với một hệ thống cổ vật quý như vậy, nhà chùa đã lắp đặt hệ thống camera, trông coi cẩn thận. Địa phương cũng bố trí lực lượng quan tâm bảo vệ. Theo lãnh đạo xã Tân An, ở chùa Côn Sơn (Chí Linh) hiện còn lưu giữ hai bức tượng ông Thiện, ông Ác lớn của chùa Cả được chuyển lên đây từ hơn 40 năm trước.

Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết đây là di tích cấp quốc gia nên mọi hạng mục muốn tu sửa phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng. Mặc dù đã được tôn tạo, tu bổ nhiều nhưng hệ thống tượng Phật gỗ cổ của chùa đã có phần xuống cấp, sứt mẻ, nhiều phần ở các sắc phong bị rách, ố mục, nhà thờ tổ nhiều chỗ xuống cấp nghiêm trọng. “Chính quyền xã Tân An và nhà chùa mong muốn thời gian tới các sở, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa, chỉnh trang lại một số hạng mục để ngôi chùa khang trang hơn”, ông Hùng đề nghị. Trong các chương trình du lịch miệt vườn, huyện Thanh Hà đã chọn chùa Cả là một địa điểm để du khách thăm thú, nhất là vào mùa thu hoạch vải. 

MINH NGHUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ kính chùa Cả