Xăng, gas tăng giá từ sau Tết Nguyên đán kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo, khiến cho bài toán chi tiêu của nhiều gia đình càng trở nên hóc búa.
Vào siêu thị mua hàng bình ổn giá là cách nhiều chị em lựa chọn trong thời điểm giá nhiều mặt hàng tăng cao
Chi phí tăng
Trước đây, mỗi ngày chị Vũ Trà My ở phố Tống Duy Tân (TP Hải Dương) sẽ chi từ 200.000-250.000 đồng mua thức ăn cho gia đình. Từ khi xăng tăng giá tới nay, để mua đủ lượng thực phẩm như trước, mỗi ngày chị My phải tăng thêm từ 50.000-100.000 đồng. Trung bình mỗi tháng gia đình chị My sẽ phải chi khoảng 8-9 triệu đồng cho tiền ăn, vừa bằng đúng tiền lương hằng tháng của chị. Đó là còn chưa kể một loạt khoản tiền sinh hoạt khác như tiền gas, điện, nước, tiền học cho con… “Lương hai vợ chồng tôi tổng được gần 20 triệu đồng thì đã mất một nửa cho tiền ăn. Nhà tôi còn bố mẹ già và các con đang tuổi lớn đều cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Mỗi lần chuẩn bị đi chợ đúng là một bài toán khó”, chị My nhăn nhó nói.
“Xăng tăng, mọi mặt hàng tăng theo khiến tôi mỗi ngày đi chợ đều thấy như mình bị rơi tiền”, chị Nguyễn Hà Trang, công nhân trọ ở khu Tứ Thông, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) nói. Trước đây, với 15.000 đồng chị có thể mua 2 mớ rau cho cả ngày, nhưng giờ chỉ có thể mua một. Chưa kể thịt cá và nhiều loại thực phẩm khác đều tăng giá. Hai vợ chồng trẻ cùng làm công nhân tổng thu nhập trung bình được 15 triệu đồng/tháng thì đã mất cứng 1,2 triệu đồng tiền thuê nhà, chưa kể tiền điện, nước. Nhà còn có 2 con nhỏ, tiền sữa, tiền bỉm rất tốn kém nên chị Trang phải tính toán rất kỹ khi chi tiêu. “Xăng tăng là giá các loại thực phẩm tăng theo ngay. Giờ giá xăng giảm nhưng giá các loại thực phẩm chẳng thấy giảm. Nếu cứ đà tăng giá này thì với đồng lương ít ỏi của vợ chồng tôi tháng nào sẽ hết tháng đó”, chị Trang thở dài nói.
Làm việc tại một cơ quan nhà nước, mức lương của vợ chồng chị Vũ Thị Hồng ở khu 4, thị trấn Ninh Giang được khoảng 12 triệu đồng/tháng… Trước đây với thu nhập này, mỗi tháng vợ chồng chị Hồng còn dành dụm được chút ít. Nhưng từ khi nhiều mặt hàng tăng giá, chị phải tính toán kỹ hơn các khoản chi tiêu trong nhà. “Riêng khoản tiền đổ xăng cho 3 chiếc xe máy của cả nhà đã tăng lên nhiều so với trước. Trong khi đó vẫn còn đủ khoản chi tiêu khác cũng đã tăng giá, nếu không tính toán khéo thì đến cuối tháng số tiền để lại chẳng đáng là bao”, chị Hồng chia sẻ.
Thắt chặt chi tiêu
Đây là cách duy nhất nhiều chị em có thể thực hiện để tiết kiệm chi tiêu trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay. Để thích ứng với tình hình, nhiều chị em đã chủ động thay đổi thói quen chi tiêu hằng ngày.
Nhà có hai con nhỏ nên mỗi tháng chị Bùi Thị Hồng Giang ở phố Hàn Giang (TP Hải Dương) thường phải mất từ 2-3 triệu đồng tiền sữa. Từ hơn một tháng nay, chị đã chuyển loại sữa cho con lớn từ sữa ngoại về các dòng sữa nội. “Sữa ngoại bị gánh thêm chi phí vận chuyển nên giá tăng hơn. Con lớn nhà tôi cũng đã 4 tuổi nên tôi chuyển về dùng các loại sữa trong nước sản xuất. Việc này giúp tôi tiết kiệm được khoảng 700.000-800.000 đồng/tháng”, chị Giang cho biết.
Trước đây, bà Hoàng Thị Thu ở phố Hòa Bình, phường Nhị Châu (TP Hải Dương) hay mua nước mắm, mì chính, dầu ăn ở chợ, nhưng giờ bà chuyển sang mua tại siêu thị. Bà thường chờ tới các đợt siêu thị có khuyến mãi sẽ mua nhiều để dùng dần. Mỗi thứ giảm giá khi mua nhiều cũng giúp bà Thu tiết kiệm được một khoản. “Lương hưu của tôi chỉ đủ tiền rau mắm, các con còn nhiều khó khăn nên cứ tiết kiệm được đồng nào là quý đồng đó”, bà Thu cười nói.
Không chỉ thay đổi thói quen chi tiêu, nhiều gia đình thay đổi nếp sinh hoạt để cố gắng tiết kiệm được nhiều hơn. Thay vì thường xuyên ăn uống ở nhà hàng, nhiều người đã lựa chọn về nhà tự nấu để tiết kiệm hơn, nhắc nhở các thành viên trong gia đình tiết kiệm điện, nước, cắt giảm hoàn toàn các khoản ăn vặt, hạn chế mua sắm quần áo, mỹ phẩm... Chị Đỗ Thu Phương là nhân viên văn phòng của doanh nghiệp nước ngoài tại khu công nghiệp Đại An. Trước đây, chị thường tự đi xe máy để chủ động thời gian đi về. Nhưng từ khi xăng tăng giá, chị đã chuyển sang đi xe đưa đón cán bộ, nhân viên của công ty. Ngoài ra, bữa trưa thay vì gọi đồ ăn chị mang đồ ăn ở nhà đi, giúp tiết kiệm được một khoản kha khá. “Hằng ngày tôi phải dậy sớm nấu đồ ăn sáng và trưa. Đi xe chung phải đi sớm hơn, dù có hơi bất tiện nhưng tôi cố gắng để tiết kiệm được tiền xăng xe, tiền ăn uống”, chị Phương nói.
Tùy điều kiện cụ thể, mỗi người lại có cách riêng để giảm bớt áp lực khi giá cả ngày càng leo thang, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân.
THANH HOA