Cơ hội nào cho cán bộ trẻ? Bài 1: Cánh cửa hẹp

11/09/2018 10:56

Cho dù yêu cầu đặt ra chỉ là bảo đảm tỷ lệ trẻ trong cấp ủy không dưới 15% (nhiệm kỳ 2010-2015) hay không dưới 10% (nhiệm kỳ 2015-2020) thì đây vẫn là chỉ tiêu chưa thành hiện thực.

Hải Dương đã quan tâm đưa vào dự nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiều cán bộ trẻ. Trong ảnh: Cán bộ chủ chốt tỉnh bỏ phiếu giới thiệu quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Thành Chung

Từ những con số

Trước tiên, cán bộ trẻ ở đây được hiểu là người dưới 45 tuổi với cấp chiến lược, dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, dưới 35 tuổi đối với cấp huyện và dưới 30 tuổi đối với cấp xã.

Theo thống kê của Trung ương, trong toàn quốc, hiện cán bộ cấp chiến lược dưới 45 tuổi chiếm 7,18%; cấp tỉnh, cán bộ dưới 40 tuổi diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 1,81%; diện Tỉnh ủy quản lý chiếm 7,85%.

Tại Hải Dương, nhiệm kỳ 2010-2015, cấp ủy tỉnh có 3,6% số cán bộ trẻ; cấp ủy huyện có 3,8% và cấp xã 4,7%. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ cán bộ trẻ trong cấp ủy tỉnh - huyện - xã lần lượt là 3,7% - 3,6% - 4,7%. Không có cán bộ trẻ nào trong Ban Thường vụ cấp ủy tỉnh, huyện ở cả 2 nhiệm kỳ. Chỉ có 0,1% số cán bộ trẻ trong Ban Thường vụ cấp ủy cấp xã nhiệm kỳ 2010-2015 và 0,6% trong nhiệm kỳ 2015-2020. Cả hai nhiệm kỳ Hải Dương đều không bảo đảm được tỷ lệ cán bộ trẻ trong cấp ủy theo yêu cầu.

Thực tế, nguồn cán bộ trẻ đã được quan tâm, nhất là ở cấp tỉnh, cấp huyện. Trong quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ cán bộ trẻ đối với cấp ủy tỉnh đạt 28%, cấp ủy huyện đạt 17,1%. Trong quy hoạch nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ cán bộ trẻ cấp uỷ tỉnh là 13,6%, cấp ủy huyện 22,5%. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 134 lượt cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc sở, ngành và tương đương, trong đó 20 lượt cán bộ được bổ nhiệm khi dưới 40 tuổi, đạt xấp xỉ 15%. Đối với cấp huyện, trong số 1.090 lượt trưởng, phó phòng được bổ nhiệm từ năm 2010 đến nay, có 251 lượt cán bộ được bổ nhiệm khi dưới 35 tuổi, chiếm 23%.

Thời gian qua, các cấp ủy trong tỉnh đều quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ. Tính từ năm 2011 đến hết tháng 6.2018, Hải Dương đã cử hơn 25.000 lượt công chức, viên chức đi đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý nhà nước. Trong 2 nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, toàn tỉnh đã luân chuyển 37 lượt cán bộ từ tỉnh về huyện, 23 lượt cán bộ từ huyện lên tỉnh; 81 lượt cán bộ từ huyện về xã, phường và 55 lượt cán bộ từ xã, phường lên huyện, thành phố. Qua đó giúp cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ được đào tạo, tôi luyện trong nhiều môi trường làm việc. Tỷ lệ cán bộ trẻ được giới thiệu để bầu vào cấp ủy tại Đại hội Đảng bộ các cấp đều cơ bản bảo đảm không dưới 15% đối với nhiệm kỳ 2010-2015 và không dưới 10% đối với nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy nhiên kết quả trúng cử cho thấy đường vào cấp ủy vẫn rất hẹp đối với cán bộ trẻ.

Đi tìm nguyên nhân

Những năm qua, Hải Dương luôn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ. Trong ảnh: Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng trao giấy khen cho các học viên có thành tích tốt trong học tập lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung khóa học 2016-2018. Ảnh: Hà Vy

Thử nhìn lại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020 của tỉnh. Trong số 6 cán bộ trẻ được đại hội giới thiệu để bầu vào cấp ủy có 1 đồng chí công tác ở cơ quan mà theo dự kiến không có cơ cấu trong cấp ủy, 4 đồng chí là cấp phó ở cơ quan mà cấp trưởng cũng được giới thiệu để bầu, thậm chí có nơi cấp trưởng là cấp ủy viên khóa trước tái cử. Vì vậy, chỉ có 2 trong số 6 đồng chí được giới thiệu trúng cử.


Tại một số đảng bộ cấp trên cơ sở, kết quả bầu cấp ủy cũng cho thấy cán bộ trẻ không trúng cử thường ở vị trí không có cơ cấu cấp ủy hoặc nếu có thì cơ quan lại có tới 2 người được giới thiệu, mà cán bộ trẻ chỉ là cấp phó, trong khi người còn lại ở vị trí cấp trưởng, là cấp ủy viên tái cử. Vì thế, lý do đầu tiên khiến cán bộ trẻ ít có cơ hội trúng cử cấp ủy là bởi trước đại hội không được bố trí ở vị trí công tác phù hợp.

Nhưng không phải tất cả cán bộ trẻ ở vào vị trí như vậy đều không trúng cử. Qua kết quả bầu cử tại Đại hội Đảng bộ các cấp có thể thấy, người trẻ bị trượt khi bầu cấp ủy thường là cán bộ chưa thật sự nổi trội, chưa thể hiện rõ năng lực, uy tín cá nhân trong công việc. Khi tổng kết thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Tỉnh ủy cũng nhận định: Tỷ lệ cán bộ trẻ không đạt theo yêu cầu của Chỉ thị 36 do một số nơi nguồn cán bộ trẻ các cấp, nhất là cấp cơ sở trình độ, năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ theo yêu cầu. Một số cán bộ, đảng viên trẻ ở cơ sở chưa thực sự phát huy hết năng lực, sở trường, chưa chủ động, nhiệt tình tham gia các phong trào tại địa phương, chưa được tín nhiệm cao tại đại hội.

Theo một số cán bộ nhiều lần dự Đại hội Đảng bộ các cấp, một số cán bộ trẻ được giới thiệu để bầu có quá trình thăng tiến quá nhanh, không kịp có thời gian thể hiện khả năng của mình ở từng công việc đã đảm nhận, nên không được đại biểu tin tưởng. Ngoài ra, cũng không loại trừ ở một số đại hội có hiện tượng vận động bầu cử không lành mạnh, hoặc do tâm lý cục bộ địa phương, dòng họ nên cán bộ trẻ không có cơ hội trúng cử...

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội nào cho cán bộ trẻ? Bài 1: Cánh cửa hẹp