Cơ hội mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn

25/10/2015 07:04

Việc triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT được kỳ vọng sẽ đem đến sức bật mới cho khu vực này.



Gần 90% dư nợ của Agribank Hải Dương dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn


Sức bật từ Nghị định 41

Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ giữa năm 2010 như một luồng gió mới tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT), góp phần nâng cao đời sống nông dân.

Trong số các tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Hải Dương luôn đồng hành, gắn bó với người dân khu vực NNNT. Từ khi Nghị định 41 có hiệu lực, Agribank Hải Dương đã chủ động, tích cực, triển khai ở tất cả các phòng giao dịch, chi nhánh trong tỉnh. Hồ sơ, thủ tục cho vay khu vực NNNT đơn giản, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay. Với mạng lưới rộng khắp trên địa bàn các huyện, thành phố, Agribank Hải Dương đã tham mưu với chính quyền các cấp, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội đưa nguồn vốn trực tiếp tới các hộ nông dân, các trang trại, gia trại ở tận những xã vùng sâu, vùng xa, giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Sau 5 năm thực hiện Nghị định 41, doanh số cho vay NNNT của Agribank Hải Dương đạt trung bình 8.644 tỷ đồng/năm. Hiện tại, dư nợ lĩnh vực NNNT của Agribank Hải Dương đạt 8.397 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng dư nợ của đơn vị, tăng 8.267 tỷ đồng so với thời điểm bắt đầu triển khai chương trình.

Trên địa bàn thị xã Chí Linh, Agribank Sao Đỏ luôn xác định nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn ưu đãi sẽ là bệ đỡ để người dân vùng khó khăn vươn lên thoát nghèo. Trong những năm triển khai chương trình, Agribank Sao Đỏ luôn quan tâm, đặt mục tiêu ưu tiên về vốn, lãi suất và thực hiện hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Nhiều hộ dân vùng khó khăn đã được tiếp cận nguồn vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Đã có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nguồn vốn của chương trình này. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Agribank Sao Đỏ cho biết: Sau 5 năm thực hiện chương trình, doanh số cho vay phát triển NNNT của Agribank Sao Đỏ đạt gần 10.000 tỷ đồng với hàng chục nghìn khách hàng được tiếp cận nguồn vốn. Hiện tại, dư nợ của chương trình vẫn đạt 1.260 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng dư nợ.

Từ khi triển khai đến hết tháng 6 - 2015, tổng doanh số cho vay theo Nghị định 41 của các TCTD trên địa bàn đạt gần 123.000 tỷ đồng, với trên 790.000 lượt khách hàng được tiếp cận nguồn vốn. Hiện vẫn còn 222.327 khách hàng khu vực NNNT đang vay vốn của chương trình với tổng dư nợ khoảng 20.000 tỷ đồng. So với thời điểm bắt đầu triển khai chương trình, dư nợ cho vay NNNT đã tăng hơn 172%. Điểm nhấn đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu của chương trình luôn dưới 1% tổng dư nợ.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương cho rằng: Nghị định 41 đã góp phần nâng cao nhận thức về chính sách tín dụng phục vụ NNNT. Chương trình cũng giúp người dân và doanh nghiệp khu vực nông thôn tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giải quyết cơ bản nhu cầu vốn vay phát triển kinh tế.

Tiếp tục đưa vốn về nông thôn

Trong quá trình triển khai, Nghị định 41 đã bộc lộ nhiều bất cập. Đó là đối tượng cho vay còn bó hẹp trong các tổ chức, gia đình, cá nhân, chủ trang trại cư trú và có cơ sở hoặc dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Mức cho vay không có bảo đảm tài sản còn thấp. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, đơn vị liên quan trong xử lý nợ quá hạn, nợ tồn đọng kéo dài, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cho ngân hàng còn gặp rất nhiều khó khăn...

Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP với nhiều điểm mới phù hợp với xu hướng và tình hình phát triển của NNNT trong giai đoạn hiện nay. Nghị định 55 được kỳ vọng sẽ đem đến sức bật mới cho khu vực NNNT. Nghị định đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển NNNT. Nghị định chia đối tượng vay vốn thành 2 nhóm: nhóm đối tượng khách hàng nằm trên địa bàn nông thôn và nhóm khách hàng nằm ngoài khu vực nông thôn nhưng vẫn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghị định 55 cũng nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm gấp từ 1,5 - 2 lần tùy từng đối tượng... Đặc biệt, Nghị định 55 có những quy định mới về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Đối với những mô hình này, chính sách hỗ trợ tập trung vào quy định mức vay không có tài sản bảo đảm lên tới 80% giá trị phương án, dự án sản xuất, kinh doanh cùng những cơ chế xử lý khoản nợ khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Như vậy, các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX sẽ yên tâm hơn khi làm đầu mối thực hiện các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đối với các khoản nợ vay gặp rủi ro thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng, Nghị định 55 có những quy định cụ thể về việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để cấp tương ứng số lãi tổ chức tín dụng không thu được do thực hiện khoanh nợ cho khách hàng. Việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm cũng được quy định cụ thể, tạo điều kiện để các TCTD mạnh dạn hơn trong việc giải ngân cho khách hàng.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội mới cho khu vực nông nghiệp, nông thôn