Bà Diệc đi làm đồng về thì thấy nhà cửa tanh bành, nồi niêu xoong chảo, mỗi thứ lăn lóc một nơi. Biết bà Diệc về, bà Chuyền hàng xóm vội chạy sang bảo:
- Lúc nãy có một đám thanh niên tóc xanh, tóc đỏ đi xe máy đến đây, tôi nghe chúng gọi ầm ĩ thằng Duân nhà bà đấy. Chúng bảo, thằng Duân mau mau trả tiền, nếu không chúng sẽ phá hết nhà cửa. Gọi mãi, không thấy ai trả lời nên chúng phá cửa, vứt tung tóe đồ đạc ra ngoài. Tôi không dám sang can ngăn vì đứa nào tay cũng lăm lăm cây gậy sắt.
Nghe bà hàng xóm kể lại chuyện, bà Diệc buồn bã ngồi phịch xuống bậu cửa. Đôi bàn tay còn lấm lem bùn đất bà cũng chả buồn rửa, cứ thế quẹt ngang dòng nước mắt đang rơi. Vợ chồng bà Diệc vốn khó khăn chuyện sinh nở, lấy nhau mười mấy năm, rồi chạy chữa khắp nơi mới sinh được mụn con trai. Vì hiếm hoi nên ông bà chiều con hết mực. Dù ông bà chỉ làm nông nghiệp, hoàn cảnh không mấy dư dả nhưng từ nhỏ, Duân đã không phải động chân động tay vào việc gì. Chỉ cần con đòi gì thì dù phải đi vay mượn, ông bà cũng sẽ cố gắng lo cho bằng được. Bố mẹ nuông chiều nên càng ngày Duân càng ỷ lại. Cậu không chịu học hành tử tế, kết quả kém nên sớm bỏ học. Đã thế, cậu còn giao du với đám bạn xấu, đua đòi ăn chơi. Ban đầu, Duân xin tiền bố mẹ để tham gia những cuộc vui thâu đêm suốt sáng với chúng bạn. Sau này, khi vợ chồng bà Diệc không còn gì để chu cấp nữa thì Duân lại lao vào cờ bạc, lô đề. Trong nhà có thứ gì giá trị cậu cũng mang đi bán. Vợ chồng bà Diệc sức ngày càng yếu không cản được con, đành bất lực ngồi nhìn.
Mấy năm trước, vào mùa bóng đá, Duân tham gia cá cược. Nhưng thắng đâu chẳng thấy mà tiền nợ lên đến cả trăm triệu đồng. Túng quẫn làm liều, để có tiền trả nợ, Duân trộm cắp đồ đạc của mấy gia đình trong xã. Trộm cắp đến lần thứ 3 thì bị bắt. Để nhẹ tội cho con, vợ chồng bà Diệc phải vay mượn khắp nơi đền cho người bị mất. Nhưng Duân không tránh khỏi án phạt tù vì khi ăn cắp bị phát hiện, cậu đã đánh chủ nhà dẫn đến thương tích.
Sau lần ấy, ra tù Duân có vẻ ăn năn hối lỗi, tu tỉnh làm ăn giúp bố mẹ già. Vợ chồng bà Diệc mừng lắm. Ông bà còn bàn chuyện hỏi vợ cho con trai. Mấy hôm nay trời trở lạnh, căn bệnh viêm phổi của ông Phấn nặng thêm nên phải nhập viện chữa trị. Ban ngày bà vẫn chạy về nhà đồng áng. Tối đến mới vào bệnh viện chăm ông. Bà Diệc không hiểu gì về bóng đá, nhưng đợt này thấy ti vi xôn xao chương trình bóng đá, bà bỗng thấy lo lo. Bà chỉ sợ con trai "ngựa quen đường cũ"...
Điều bà lo lắng cũng đã xảy ra. Tối ấy, bà Diệc đành để ông Phấn một mình trong bệnh viện, bà ở nhà đợi con trai về hỏi han tình hình. Quá nửa đêm, Duân mới lạch cạch mở cửa vào nhà. Cậu không bật điện mà lần đi vào chỗ giường mẹ nằm thì thào:
- Mẹ ơi, mẹ cứu con thêm lần này nữa, không thì chúng nó giết con mất!
- Giờ mẹ còn gì nữa đâu hả Duân? Có gì bố mẹ cũng lo cho con hết rồi.
- Còn cái nhà này, mẹ xem có bán được không. Chứ con nợ nhiều lắm. Không trả được, nhất định chúng nó không để cho con yên đâu.
- Ối giời ơi, giờ con còn bảo mẹ bán nhà nữa sao? Không có nhà thì bố con bệnh tật biết ở vào đâu?
- Con đường cùng rồi. Nếu mẹ không lo cho con nữa thì cứ coi như đứa con này đã chết.
- Thôi được rồi, con cứ để từ từ mẹ tính - bà Diệc nấc nghẹn.
Hai hôm sau, sức khỏe của ông Phấn đã khá hơn nên được bác sĩ cho về nhà tĩnh dưỡng. Lúc đầu, bà Diệc định giấu chồng chuyện của con trai nhưng hình như ai đó đã nói với ông Phấn. Về đến nhà, vừa ngồi xuống ghế, ông đã hỏi bà:
- Thằng Duân nó lại "ngựa quen đường cũ" hả bà?
Bà Diệc vừa khóc vừa kể lại mọi chuyện với chồng. Bà cũng kể cả chuyện Duân đòi bán nhà để trả nợ. Ông Phấn trầm ngâm một lúc rồi bảo:
- Tôi cũng đã biết chuyện này. Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Thằng Duân trở nên như thế này phần nhiều là do vợ chồng mình chiều con quá đâm hư. Giờ thì "con dại cái mang". Cũng không còn cách nào khác, ta cho con một cơ hội nữa vừa là để con làm lại cuộc đời cũng là để tôi và bà sửa cái sai trong suốt gần 30 năm qua.
- Thế ông định bán nhà thật à? Bán nhà thì đi đâu mà ở bây giờ - bà Diệc vội ngắt lời chồng.
- Ô hay, bà cứ nghe tôi nói hết đã. Chuyện nhà ở thì bà không lo. Bố mẹ vẫn còn cái ao nhỏ ở cuối làng. Ta đến thưa chuyện với bác cả, xin lấp tạm, cất cái nhà nhỏ mà ở.
- Cuối đời rồi lại phải sống tạm bợ thế sao đành. Nhất là bệnh tình của ông... - bà Diệc nghẹn ngào.
Đứng ngoài hiên, nghe bố mẹ nói chuyện, anh Duân không dám vào. Chỉ vì sai lầm, không biết kiềm chế thú vui của bản thân mà anh đã làm khổ bố mẹ bao nhiêu năm qua. Anh biết, quyết định này của bố mẹ là cơ hội cuối cùng đối với anh. Nhất định anh phải chắt chiu, sẽ không bao giờ anh sa chân nữa. Anh khóc và tự nhủ, không thể để bố mẹ suốt đời khổ vì mình.
NGỌC THANH