Trong mắt các nhà tâm lý học, chuyện "đúng người, sai thời điểm" thường là cái cớ để lẩn trốn trách nhiệm hoặc một trong hai người không có tình cảm thực.
Tiến sĩ LeMeita Smith, giám đốc dịch vụ tư vấn sức khỏe - tâm lý United Health Services (Mỹ) cho rằng khái niệm "đúng người, sai thời điểm" chỉ tình huống một ai đó gặp người "hoàn toàn phù hợp" nhưng không thể phát triển thành mối quan hệ lãng mạn.
"Đúng người, sai thời điểm" thường khiến mọi người bối rối và lo lắng, thậm chí không biết phải làm gì tiếp theo.
Tiến sĩ, nhà tâm lý Tara Lally tại Khoa tâm thần và sức khỏe hành vi của ĐH Y Hackensack (bang New Jersey, Mỹ) cho rằng sẽ có thời điểm trong đời chúng ta gặp được một đối tác lý tưởng nhưng những nhu cầu khác của cuộc sống, ví dụ chuyển đổi công việc, thay đổi trong gia đình khiến không thể dành trọn thời gian, năng lượng cho người đó. Điều đó nói lên một thực tế, các mối quan hệ hiếm khi xảy ra trong những hoàn cảnh hoàn hảo.
Nhưng một số nhà trị liệu tâm lý tin rằng khái niệm "đúng người, sai thời điểm" có thể chỉ là cái cớ. Nhà tâm lý Lauren Cook nhận định, nếu một người được cho là "hoàn toàn phù hợp" bước vào cuộc đời bạn, sẽ không có chuyện gọi là "sai thời điểm" bởi khi có tình cảm, người ta sẽ tìm ra cách ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất.
"Nếu bạn và nửa kia coi nhau là 'đúng người', bất chấp 'sai thời điểm', hai người vẫn có thể khiến mối quan hệ tiến triển tốt đẹp", chuyên gia nói.
Nhà tâm lý học Avigail Lev cho rằng thời điểm không phải lúc nào cũng là vấn đề duy nhất cản trở mối quan hệ. "Điều quan trọng bạn nên xem liệu còn có vấn đề khác đang cản trở mối quan hệ hay không? Nếu có, đó không phải là 'đúng người'", Avigail nói.
Các tình huống "đúng người, sai thời điểm" điển hình.
Một trong hai phía trải qua những thử thách hoặc thay đổi lớn trong cuộc đời.
Trong một mối quan hệ lành mạnh, lý tưởng nhất là đối tác sát cánh cùng bạn vượt qua những thăng trầm. Tuy nhiên, nếu một trong hai phía trải qua những thử thách hoặc thay đổi lớn trong cuộc đời, mối quan hệ có thể trở nên khó khăn.
Theo chuyên gia Smith, trong một mối quan hệ, hai phía có thể chia sẻ những giá trị và mục tiêu giống nhau nhưng nếu hai phía đang ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời hoặc có những ưu tiên khác nhau hai bên khó sắp xếp các kế hoạch và kỳ vọng của riêng mình để hài hòa với đối tác, đó cũng là một tình huống "đúng người, sai thời điểm".
Một trong hai người không sẵn sàng về mặt cảm xúc
Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Sefora Janel Ray cho biết, hiện tượng "đúng người, sai thời điểm" xảy ra khi một người không sẵn sàng về mặt tinh thần hoặc cảm xúc cho một mối quan hệ.
Ví dụ, một trong hai người vừa mới thoát khỏi một mối quan hệ nghiêm túc, đang cố gắng hàn gắn vết thương sau cuộc chia tay hoặc chưa hoàn toàn quên đi người yêu cũ.
Một trong hai người không thể cam kết gắn bó
Theo Smith, một trong những dấu hiệu lớn nhất của việc "đúng người, sai thời điểm" là một đối tác không thể cam kết duy trì một mối quan hệ. Bạn có mối liên hệ chặt chẽ với người đó nhưng họ chưa sẵn sàng cam kết vì những lý do cá nhân như nghề nghiệp, học vấn, sức khỏe hoặc gia đình. Trong những trường hợp này, người đó có thể muốn cam kết với bạn nhưng không thể thực hiện được vì các nghĩa vụ khác hoặc hoàn cảnh sống.
Nên lưu ý, một trường hợp nghiêm trọng của "đúng người, sai thời điểm" trong mối quan hệ là người kia đã có quan hệ (đang yêu hoặc đã kết hôn) với người khác. Trường hợp này thực chất là "không đúng người".
Bạn không biết mình thực sự muốn gì
Trường hợp này xảy ra khi bạn có một mối quan hệ nhưng lại gặp khó khăn trong việc biết mình muốn gì từ mối quan hệ đó. Sự mâu thuẫn đó khiến mọi thứ trở nên rất khó hiểu. Thậm chí, linh cảm có thể nhắc nhở bạn rằng đây không phải thời điểm thích hợp.
Xử lý tình huống "đúng người sai thời điểm" thế nào?
Tiến sĩ, nhà tâm lý học tại ĐH Michigan, Michele Leno, nói trước tiên, hãy dành một chút thời gian để hiểu nguồn gốc của những cảm xúc lẫn lộn của bạn. Chuyên gia gợi ý một số câu hỏi bạn cần đặt cho chính mình:
Tại sao tôi tin rằng đó là sai thời điểm?
Người này có ngăn cản tôi hoàn thành các mục tiêu khác không?
Liệu có thể bảo vệ được mối quan hệ?
Khi bạn có câu trả lời cho mình, bạn sẽ biết nên làm gì. Trong trường hợp bạn quyết định dừng mối quan hệ, nên giao tiếp cởi mở và trung thực với đối tác.
Bạn có thể tập trung vào sự trưởng thành và phát triển của chính mình trong thời gian chờ đợi và chuẩn bị cho một mối quan hệ trong tương lai. Trong trường hợp bạn quyết định bảo vệ mối quan hệ, nên cùng nửa kia trao đổi, cùng đặt ra những ranh giới và kỳ vọng thực tế, đồng thời thỏa hiệp khi có thể.
Theo VnExpress