Tin tức

Có gì mới trong lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu tuần này?

PHONG TUYẾT 05/12/2023 06:35

Tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/12, HĐND tỉnh Hải Dương sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND tỉnh bầu.

00:00

z4937285581232_018606c5627171024e0dd9b4d90e9abb(1).jpg
Ngày 30/8, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu đã ký kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu

Thường trực HĐND tỉnh dự kiến danh sách 24 người được lấy phiếu tín nhiệm gồm 5 đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh (2 đồng chí Phó Chủ tịch, 3 đồng chí Trưởng ban; đồng chí Chủ tịch chưa đủ thời gian công tác để lấy phiếu tín nhiệm), 4 đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh (Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch) và 15 ủy viên UBND tỉnh. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm ở nhiệm kỳ này có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Chặt chẽ

Theo kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu nhiệm kỳ 2021 – 2026, Thường trực HĐND, UBND tỉnh xây dựng báo cáo hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 30/11/2023. Nội dung này không được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương nhằm cung cấp thông tin để các đại biểu HĐND tỉnh xem xét, đánh giá toàn diện, chặt chẽ hơn việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm. Trong đó có xem xét đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc các sở, ủy viên UBND tỉnh.

hdnd(1).jpg
Cán bộ, chuyên viên Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 19

Kế thừa sự đổi mới của Nghị quyết số 96, kế hoạch của HĐND tỉnh Hải Dương cũng mở rộng tiêu chí đánh giá “sự gương mẫu của bản thân và vợ/chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Tiêu chí này là một bước tiến thể hiện sự chặt chẽ hơn nhằm không để người thân lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của cán bộ để trục lợi, gây dư luận xấu. Theo ý kiến của một số đại biểu, việc đánh giá theo tiêu chí trên có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển của mỗi cán bộ, đảng viên.

Từ nhiệm kỳ này, các tiêu chí đánh giá khi lấy phiếu tín nhiệm chức danh do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn còn dựa trên kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát chuyên đề, chất vấn và các nghị quyết, kết luận khác của HĐND tỉnh. Đồng thời dựa vào kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Thường trực HĐND, các ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; kết quả thực hiện các cam kết và các vấn đề đã hứa.

Căn cứ để bố trí cán bộ

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng làm cơ sở để bố trí, sử dụng cán bộ chứ không chỉ dừng ở việc đánh giá tín nhiệm cán bộ.

Theo Nghị quyết số 96, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là “cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ”. Trước đó, tại Nghị quyết số 85/2014/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn chỉ quy định “làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ”.

Tại kế hoạch của HĐND tỉnh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được quy định rõ là "để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ".

Theo đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền (là cơ quan hoặc người giới thiệu người đó để HĐND tỉnh bầu) có trách nhiệm trình HĐND tỉnh tiến hành miễn nhiệm, đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó. Phiếu tín nhiệm sẽ có ba mức độ là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Trường hợp phải bỏ phiếu tín nhiệm thì phiếu chỉ có 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

Với những điểm mới được quy định chặt chẽ và chi tiết như trên, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Hải Dương sắp tới được kỳ vọng sẽ là căn cứ để đánh giá cán bộ khách quan, chính xác.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có gì mới trong lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu tuần này?