Bị dị dạng cơ quan sinh dục, bệnh viện chẩn đoán nhầm là nam, chị Thành đã phải mang thân phận đàn ông suốt gần 30 năm ngay cả khi đã lấy chồng.
Dù hiện tại đã biết chính xác cơ thể là nữ, chị vẫn chưa thể xóa được chữ "Văn" trong giấy khai sinh để có thể làm giấy kết hôn. Chị đã cầu cứu đến cơ quan tư pháp huyện, tỉnh, đến Phân viện Pháp y tại TP HCM và Bệnh viện Nhi đồng 2, song vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục để trở thành nữ thực sự.
Chị Thành và đứa con nuôi không được công nhận. Ảnh: Chế Bắc. |
Chào đời năm 1984 tại xã Minh Thành (Chơn Thành, Bình Phước), Thành được bố mẹ là ông Kính và bà Giang phát hiện bộ phận sinh dục có biểu hiện khác thường, nam không ra nam, nữ không ra nữ.Họ đưa bé Thành lên Bệnh viện Nhi Đồng I, TP HCM.
Tại đây, sau khi kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy bộ phận sinh dục của bé chỉ có một cục u nhô lên, hé một khe nhỏ để đi tiểu tiện. Hậu môn hoàn toàn không có. Các bác sĩ nhận định bé sơ sinh có giới tính nam nên khuyên gia đình về làm giấy khai sinh là nam giới. Đồng thời, do sức khỏe yếu không thể phẫu thuật nên họ gắn một lỗ hậu môn giả ngay bên hông cho bé.
Năm 13 tuổi, sinh lý giới nữ của Thành ngày càng phát triển mạnh. Ngực phát triển to lên và em thường xuyên kêu đau bụng. Đi kiểm tra tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ mới xác định được Thành là con gái. Nguyên nhân đau bụng là do kinh nguyệt có, nhưng âm vật cấu tạo khác thường, kinh không thoát ra ngoài mà bị ứ đọng trong bụng lâu ngày.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã giới thiệu Thành sang Bệnh viện Từ Dũ để phẫu thuật chuyển hoàn toàn thành nữ giới. Tại đây, Thành được phẫu thuật trở thành nữ thực sự, được cấp giấy chứng nhận để về làm lại giấy khai sinh. Tuy nhiên, do chủ quan không làm lại giấy khai sinh cho con ngay, một năm sau gia đình mới ra chính quyền làm thủ tục thì phát hiện mất giấy chứng nhận của Bệnh viện Từ Dũ. Họ không thể làm lại khai sinh cho con. Từ đây, những rắc rối liên tiếp đổ lên đầu Thành và gia đình.
Chính quyền xã giới thiệu ông Kính lên Phòng Tư pháp huyện Chơn Thành. Đơn vị này tiếp tục chuyển lên Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước để được chứng nhận. Tại đây, cán bộ Sở yêu cầu phải thành lập Hội đồng giám định y khoa thì mới có thể công nhận con gái ông. “Để thành lập Hội đồng giám định y khoa xác định lại giới tính cho con gái tôi phải có đủ chi phí 15 triệu đồng, trong khi gia đình tôi nợ nần chồng chất, bán hết tài sản cũng chỉ được vài triệu thì lấy tiền đâu ra mà lo cho con. Vì không có tiền nên tôi đành tặc lưỡi ra về”, ông Kính kể lại.
Năm 2010, đến tuổi trưởng thành, Thành có người yêu song không thể đăng ký kết hôn vì khai sinh là... nam giới. Họ cũng không thể xin con nuôi vì Thành không được xác định là nữ nên không được công nhận là mẹ.
“Chúng tôi lại phải đi xin thay đổi giới tính cho con. Lần này, các cán bộ Phòng Tư pháp huyện Chơn Thành cho biết, chỉ cần có giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính là có thể cấp lại giấy khai sinh, vì vậy tôi tiếp tục đưa con đi giám định”, ông Kính nói.
Ngày 29/10/2012, Phân viện Pháp y tại TP HCM kết luận Ngô Văn Thành là nữ giới. Tuy nhiên, biên bản này không được Phòng Tư pháp huyện Chơn Thành công nhận vì đó không phải là: “Giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính theo mẫu của Bộ Y tế”.
Biên bản xác định giới tính của chị Thành. |
Ngày 26/6/2013, Cục Hộ tịch, Bộ Tư pháp ra văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho Sở Tư pháp Bình Phước, yêu cầu chị Thành cung cấp giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính của một trong hai Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM.
Chị Thành cầm văn bản hướng dẫn và giấy giới thiệu của Phòng Tư pháp huyện đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 xin xác định giới tính thì nơi đây từ chối, lý do chỉ tiếp nhận xác định, can thiệp giới tính cho người từ 15 tuổi trở xuống. Bệnh viện Nhi đồng 2 đề nghị chị ra Bệnh viện Việt Đức ngoài Hà Nội để làm lại giấy xác định giới tính.
"Đường sá xa xôi cách trở như thế, tôi lại đang phải giấu chồng và gia đình về việc này, không biết lấy lý do gì để đi xa nhiều ngày như vậy, chưa kể kinh tế cũng không dư dả gì", chị Thành ôm đứa con nuôi buồn rầu chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đình Tùng, Phó chủ tịch xã Minh Thành cho biết, vụ việc trên chính quyền địa phương nắm rất rõ từ đầu tới cuối. Ngay khi phát hiện sự việc, xã đã rất nhiệt tình hướng dẫn cho Thành làm lại giấy khai sinh. Tuy nhiên, do sự việc không thuộc thẩm quyền cấp xã nên cũng chỉ giúp đỡ cô bằng cách hướng dẫn lên Phòng Tư pháp huyện để làm lại giấy tờ.
“Về ý kiến cá nhân, là người địa phương lâu năm, lại trực tiếp dạy em Thành từ hồi còn học lớp 4, tôi khẳng định Thành thực chất là phái nữ. Tuy nhiên, do lúc mới sinh ra, bộ phận sinh dục của em bị dị dạng nên mới xảy ra sự việc phức tạp như trên”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng, sự việc kéo dài một phần lỗi do Thành không tìm hiểu kỹ và không thật sự nhiệt tình trong việc hỏi cụ thể các cơ quan chức năng cần những giấy tờ gì để có thể phối hợp tốt hơn. “Việc đã đến nước này, xã cũng chỉ biết đề nghị các cơ quan chức năng sớm giám định làm rõ để trả lại giới tính thật cho Thành”, ông Tùng đề nghị.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Chế Bắc (VnExpress)