Gần 17 năm sau ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, Nguyễn Thị Diệp đã qua đời rạng sáng 29.11 tại quê nhà ở Nam Định.
Nguyễn Thị Diệp khi làm việc tại ban đông y Bệnh viện 103 - Ảnh: X.LONG (chụp tháng 4.2019)
Bố đẻ của Diệp và cũng là người hiến tặng gan cho con gái gần 17 năm trước, ông Nguyễn Quốc Phòng, 48 tuổi cho biết con gái ông là Nguyễn Thị Diệp, đã qua đời rạng sáng 29.11 tại quê nhà ở Hải Hậu, Nam Định,
Diệp đã trải qua suốt năm 2020 này ở Bệnh viện 103 do gan ghép đã suy yếu, cần được ghép lần 2. Đây cũng là nơi Diệp gắn bó trong gần hết cuộc đời ngắn ngủi của mình: được ghép gan đầu tiên năm 2004 tại đây, khi Diệp mới 9 tuổi, rồi được chăm sóc sức khỏe trong nhiều năm sau đó, đi học trung cấp về dược và được nhận vào làm việc tại ban đông y của Bệnh viện 103.
Ca ghép gan cho cô bé Diệp bị teo đường mật bẩm sinh được coi là ca ghép lịch sử, thực hiện đầu năm 2004 do các bác sĩ Bệnh viện 103 và Học viện Quân y chủ trì.
Đây là ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Vì vậy ngoài sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, còn có sự phối hợp tích cực của các êkíp trên 100 người trong nước, đều là các chuyên gia đầu ngành.
Ca ghép đã thành công ngoài mong đợi, khi cô bé Diệp sau ca ghép đã được quay lại trường học và sau này trở thành một nhân viên của bệnh viện, nơi Diệp được tái sinh.
Tháng 10 vừa qua, gia đình Diệp cho biết mảnh gan ghép đã bị suy sau gần 17 năm, các bác sĩ đang chuẩn bị ca ghép thứ 2 cho Diệp.
Trong năm 2020 Diệp sút cân nhiều, da vàng, toàn bộ gan bị xơ hóa, cha mẹ của Diệp đã rất hy vọng con gái được tái sinh thêm một lần nữa. Tuy nhiên điều kỳ diệu cuối cùng đã không đến.
Kể từ ca ghép năm 2004 cho Diệp, đến nay ghép gan đã trở thành kỹ thuật quen thuộc thực hiện thường quy tại nhiều bệnh viện ở Việt Nam.
Sau khi thực hiện ghép gan (kỹ thuật ghép tạng thứ 2 thực hiện tại Việt Nam sau ghép thận), các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện được ghép tim, ghép phổi, ghép ruột non, ghép chi thể..., cứu sống và nâng chất lượng cuộc sống cho nhiều người bệnh.
Theo Tuổi trẻ