Hỏi: Con gái tôi lấy chồng 10 năm nhưng không chịu làm ăn, hay theo đám bạn chơi bời. Gia đình khuyên bảo mãi không được.
Vợ chồng tôi có mảnh đất, căn nhà nay muốn cho riêng con rể để có kinh tế chăm các cháu ngoại của tôi, chứ không trông mong gì vào con gái nữa. Xin hỏi, luật pháp có cho phép chúng tôi làm như vậy không?
TRẦN NGHĨA (Ninh Giang)
Trả lời: Theo điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015, vợ chồng bác khi lập di chúc có quyền chỉ định người hưởng quyền thừa kế là con rể và không cho con gái hưởng quyền này.
Để bảo đảm con rể của hai bác thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc cháu, các bác nên giao nghĩa vụ cho người thừa kế, yêu cầu phải thực hiện đúng và phù hợp với đạo đức, pháp luật. Hai bác cũng có quyền nêu điều kiện con rể được hưởng di sản và điều kiện bị tước quyền.
Tuy nhiên các quy định để bảo đảm giám sát nghĩa vụ của người nhận thừa kế hiện tương đối khó thực hiện. Do sau khi di chúc có hiệu lực, người con rể thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Quyền sử dụng đất sẽ được chuyển giao cho người này. Các nghĩa vụ của người nhận di sản không được thể hiện trên giấy chứng nhận, chỉ thể hiện trên nội dung di chúc, vì thế người thân còn lại của các cháu sẽ không nắm được để yêu cầu bảo vệ quyền lợi khi có vi phạm xảy ra.
Để đảm bảo giám sát thực hiện nghĩa vụ của người thừa kế trong di chúc, hai bác nên chỉ định người quản lý di sản, giao cho người này quyền giám sát thực hiện nghĩa vụ của con rể. Nếu con rể vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng, thuộc trường hợp tước quyền hưởng di sản, người được giao quyền giám sát có thể khởi kiện, buộc người con rể chuyển giao tài sản thừa kế đã nhận.
Khi lập di chúc có những nội dung phức tạp như trên, hai bác cần được người am hiểu luật tư vấn đầy đủ và thực hiện tại phòng công chứng để đảm bảo hiệu lực pháp lý cao nhất.