Cơ chế tài chính có nhiều thay đổi

11/01/2017 07:10

Từ ngày 1-1-2017, nhiều chính sách trong lĩnh vực thuế, tài chính có hiệu lực, tác động không nhỏ đến cơ chế điều hành ngân sách của tỉnh và hoạt động của cá nhân, doanh nghiệp.




Nhiều công nhân phải làm tăng ca cuối năm khiến cuộc sống bị đảo lộn (ảnh mang tính minh họa)


Siết chặt quản lý ngân sách

Bà Trần Thị Hải Hà, Trưởng Phòng Kế hoạch ngân sách (Sở Tài chính) cho biết, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 quy định rõ phạm vi NSNN bao gồm: thu, chi, bội chi, tổng mức vay của NSNN, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN. Tất cả các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện.

Điểm mới trong Luật NSNN 2015 là khoản thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành chuyển từ ngân sách Trung ương hưởng 100% thành khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Điều này giúp ngân sách của Hải Dương tăng thu trong bối cảnh số thu được giao tăng cao so với những năm trước và Hải Dương phải tự chủ trong thu chi. Riêng các khoản thu phân chia cho ngân sách xã, thị trấn, luật quy định: ngân sách xã, thị trấn được phân chia nguồn thu từ các khoản thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; phí môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình; lệ phí trước bạ nhà, đất. Việc phân chia khoản thu giúp ngân sách xã, thị trấn chủ động thực hiện các nhiệm vụ chi, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách cấp trên.

Một điểm đáng chú ý là Luật NSNN năm 2015 thực hiện nới lỏng chi dự phòng NSNN. Ngoài những nội dung chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, Luật NSNN năm 2015 bổ sung thêm nội dung được phép sử dụng từ nguồn dự phòng: khắc phục thảm họa; dịch bệnh; cứu đói và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách từng cấp nhưng chưa được dự toán. Đặc biệt, Luật NSNN năm 2015 còn siết chặt về chuyển nguồn ngân sách, chỉ cho phép chuyển nguồn sang năm sau đối với một số khoản chi như: chi đầu tư phát triển thực hiện chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của Luật Đầu tư công; chi mua sắm trang thiết bị đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng mua sắm trang thiết bị ký trước ngày 31-12 năm thực hiện dự toán; nguồn thực hiện chính sách tiền lương; kinh phí được giao tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan nhà nước; các khoản dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30-9 năm thực hiện dự toán và kinh phí nghiên cứu khoa học... Việc siết chặt chuyển nguồn góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật, tránh sử dụng ngân sách bừa bãi, lãng phí như thời gian vừa qua.



Nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thuế, tài chính có hiệu lực từ năm 2017 góp phần nâng cao kỷ cương,
kỷ luật ngân sách, tạo điều kiện giúp các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh


Động viên các cá nhân, tổ chức kinh doanh

Cũng từ ngày 1-1-2017, nhiều quy định về phí môn bài cũng có hiệu lực. Trong đó, thay đổi lớn nhất là quy định về 7 trường hợp được miễn phí môn bài. Xét riêng trên địa bàn Hải Dương, một số trường hợp được miễn phí môn bài gồm: cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của HTX hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp; quỹ tín dụng nhân dân xã; HTX chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của HTX, doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Ông Vũ Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết quy định miễn phí môn bài cho một số trường hợp sẽ ảnh hưởng đến khoản thu này trong năm 2017. Tuy nhiên, do số thu của phí môn bài không lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến tổng thu ngân sách hằng năm. Đặc biệt, việc một số đối tượng, nhóm đối tượng được miễn phí môn bài có tác dụng động viên, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những ngành nghề, vùng miền đặc thù.

Từ đầu năm 2017, Luật Kế toán 2015 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán (DVKT) như: đăng ký hành nghề DVKT, điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh DVKT, doanh nghiệp kinh doanh DVKT, những hành vi bị cấm trong hoạt động kế toán… Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Hera Việt Nam (TP Hải Dương), Luật Kế toán 2015 có vai trò rất quan trọng đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không muốn mất nhiều chi phí nên cứ đến kỳ nộp thuế là thuê kế toán viên (KTV) hoàn thiện báo cáo thuế. Tuy nhiên, nhiều KTV trình độ thấp, chưa có chứng chỉ KTV, hiểu biết pháp luật hạn chế khiến nhiều bản báo cáo sai sự thật, gây khó khăn cho chính doanh nghiệp và cơ quan thuế. Vì vậy, Luật Kế toán 2015 nghiêm cấm hình thức cho thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ KTV hoặc giấy chứng nhận đăng ký DVKT. Cấm KTV hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh DVKT thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật. Điều này buộc các doanh nghiệp phải chấn chỉnh lại hoạt động kế toán, bảo đảm việc kê khai, nộp thuế tuân thủ các quy định của pháp luật.

Như vậy, hàng loạt chính sách thuế, tài chính có hiệu lực từ năm 2017 thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, động viên, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế tài chính có nhiều thay đổi