Năm 1968, tỉnh Hải Hưng được thành lập, mười năm sau Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Hải Hưng ra đời. Để có một tờ tạp chí là cơ quan ngôn luận của hội là lẽ đương nhiên. Nhưng điều băn khoăn của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành hội là đặt tên cho tạp chí tên gì. Chừng một tháng, tham khảo hội ở một số tỉnh bạn, vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Thế rồi vào một buổi tối cuối đông 1977 ở nhà khách TP Hải Dương, anh Nguyễn Luận, Hoàng Nam, Trần Thi, Vũ Dong (Văn Anh) và Minh Lương lại đem vấn đề ấy ra bàn luận. Đêm ấy trời lạnh, thành phố lại mất điện, phải thắp đèn dầu Hoa Kỳ. Tất cả ngồi trên hai cái giường một, kề sát vào nhau. Chừng như đã mệt mỏi, anh Nguyễn Luận ngáp một cái dài, rồi rung đùi ngâm:
“Vầng trăng khuyết, đĩa dầu hao/Chỉ có hai chữ mà nao nao lòng”. Anh Hoàng Nam hóm hỉnh hài hước tiếp: “Thưa rằng “văn nghệ Hải Hưng”/Người ngoài cũng thích, người trong cũng mừng”. Anh Vũ Dong nghe xong lắc đầu: “Ngẫm xem Kiếp Bạc, Côn Sơn/Đường Năm, Sao Đỏ, cũng giòn, cũng xinh”. Anh Minh Lương tỏ vẻ không hài lòng, những địa danh nổi tiếng của Hải Dương mà Vũ Dong đề xuất, đặt tên cho tờ tạp chí, liền “ứng khẩu” chọc tức Vũ Dong: “Cho hay là thói hữu tình/Đố ai giỡ mối tơ mành cho Dong/Kiếp này trả nợ chưa xong/Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau”.
Anh Minh Lương có ẩn ý trúng ý của Hoàng Nam nên anh Hoàng Nam khoái chí vỗ đánh đét vào đùi anh Minh Lương: “Được, ẩn ý của Minh Lương thế mà hay. Cái tên “văn nghệ Hải Hưng” vừa giản dị, vừa tinh tế, kế thừa tạp chí Văn nghệ Hải Hưng (của Ty Văn hoá Hải Hưng trước đây), vừa thấu tình đạt lý”.
Thế là cả 5 người đều nhất trí lấy tên cơ quan ngôn luận, sáng tác, nghiên cứu phê bình của Hội VHNT Hải Hưng là tạp chí Văn nghệ Hải Hưng cho đến tháng 11-1997 hai tỉnh tái lập. Hội VHNT Hải Dương có tạp chí Văn nghệ Côn Sơn, Hội VHNT Hưng Yên có tạp chí Văn nghệ Phố Hiến. Sau vài năm Tạp chí Côn Sơn lại chuyển thành Tạp chí Văn nghệ Hải Dương cho đến nay.
Trong những ngày này, anh chị em văn nghệ sĩ hai tỉnh lại nhớ "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy", lại nhớ hai câu thơ của nhà viết kịch quá cố Hoàng Nam: “Thưa rằng “văn nghệ Hải Hưng”/Người ngoài cũng thích, người trong cũng mừng”.
LÊ HỒNG THIỆN (st)