Trong cuộc sống không có tình cảm nào mặn nồng bằng tình cảm vợ chồng nếu như ta biết ứng xử khéo léo với một nửa của mình thì cuộc sống gia đình hạnh phúc đầm ấm vô cùng.
Chủ nhật tôi đến nhà Hồng chơi vì mải nói chuyện huyên thuyên nên xoong thịt hầm măng trên bếp ga bốc mùi khét lẹt. Hồng và tôi chạy xuống thì ôi thôi cả xoong thịt biến thành một hòn than đỏ rực. Tôi lo lắng cho Hồng vì tính lơ đãng thế nào cũng bị chồng mắng. Vừa lúc ấy chồng của Hồng cũng có mặt, anh cười nói đùa: “Em định tiếp khách bằng món thịt than hay sao vậy?”. Tôi không thấy Hồng biểu lộ sự lo lắng mà còn cười: “Ấy chết! hai đứa bọn em mải vui chuyện nên quên khuấy đi mất”. Chồng Hồng động viên: “Không nổ bình ga là may lắm rồi, thôi bỏ đi. Hai chị em lên nhà nói chuyện, anh làm nhoáng một cái là có bữa cơm ngon ngay thôi mà”. Không khí vợ chồng vui vẻ bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi hỏi nhỏ Hồng: “Liệu mình về rồi anh ấy có nói gì cậu không?”. Hồng cười hồn nhiên: “Đối với vợ chồng mình cuộc sống tình cảm vợ chồng là trên hết, tiền bạc vật chất có thể làm ra được, nhưng tình cảm nếu không khéo giữ thì chẳng tiền bạc nào mua nổi. Mình kể cậu nghe một hôm đi chợ vì không cẩn thận nên chiếc xe máy mới mua hai mươi lăm triệu đồng không cánh mà bay. Mình nghĩ thế nào về nhà cũng bị anh ấy cằn nhằn, mắng mỏ, nghĩ thế nên mình chuẩn bị đối phó nếu có sự cố xảy ra. Khi nghe mình kể lại câu chuyện mất xe anh ấy nói: “Điều anh sợ nhất là mất em". Nghe anh ấy nói vậy mình cảm thấy nhẹ lòng, nhưng vẫn tiếc đứt ruột cậu ạ! Lại một bữa khác đứa em ở quê mang lên cho hai con cá quả, mỗi con nặng đến một cân rưỡi. Anh ấy bảo mình nên cho vào cái xô nhựa sâu đổ ít nước thôi, đậy lại, kiếm vật gì nặng đè lên không nó quẫy tung ra. Nhưng mình chủ quan không nghe lời anh ấy dặn, cho vào cái chậu nhựa, đổ rất nhiều nước và đậy lên một chiếc rổ, vì sợ mùi tanh của cá nên mình đem ra nơi ống thoát nước để. Chiều hôm đó anh ấy mời mấy người bạn cầm chai rượu ngoại về nhậu món lẩu cá quả. Nhưng khi mình ra lấy cá làm thì ôi thôi hai con cá đã ra đi từ lúc nào, mình chưa biết ăn nói làm sao với anh ấy thì anh ấy bảo: “Cứ coi như chú nó chưa cho mình hai con cá đó có sao đâu, em vào chuẩn bị cho anh món gì cũng được để bọn anh lai rai, còn món lẩu cá thì anh sẽ nói để bạn anh thông cảm”.
Đấy chuyện không may xảy ra trong cuộc sống vợ chồng là chuyện ngoài ý muốn, nếu vợ chồng biết thông cảm, chia sẻ cho nhau thì cuộc sống cảm thấy thoải mái và hạnh phúc biết bao.
Tôi nhớ lại những chuyện của vợ chồng tôi: Một hôm khi giặt quần áo cho anh ấy tôi vô tình không kiểm tra túi quần nên chiếc điện thoại di động bị ngâm nước trong máy giặt. Khi anh ấy tìm thấy thì ôi thôi nó đã thành đồ phế liệu. Anh ấy cầm chiếc điện thoại rồi nói với tôi: “Cô đúng là một phụ nữ đoảng hết chỗ nói, chiếc điện thoại để trong túi quần chồng mà không biết, thử hỏi người như cô thì làm được việc gì?”. Tôi bị chồng xúc phạm tức lắm cứ ấm ức trong người: Thì ra anh ấy coi vật chất, tiền bạc trọng hơn tình cảm vợ chồng và thế là chiến tranh lạnh trong gia đình xảy ra. Suốt mấy ngày liền tôi chẳng nói chẳng rằng, ngay cả việc nấu cơm tôi cũng “đình công” luôn. Chồng tôi biết mình đã lỡ lời nên cố tình làm lành xin lỗi, nhưng với tôi ấn tượng về câu nói đó cứ ám ảnh mãi. Hôm anh ấy say rượu té xe máy, chiếc xe hỏng nặng đi sửa gần hai triệu đồng còn anh vào cấp cứu bệnh viện, anh ấy cứ luôn mồm xin lỗi tôi vì gây ra sự việc này. Tôi động viên anh: “Anh còn sống là quý nhất trên đời này rồi em chẳng bao giờ trách anh cả, anh đừng nghĩ ngợi lung tung, tiền bạc vật chất mình có thể làm ra, tính mạng con người mới là quan trọng”. Chính lời động viên của tôi đã giúp anh sớm bình phục. Từ hôm đó trở đi vợ chồng tôi càng thương yêu và quý trọng nhau hơn nhất là trong cách ứng xử.
Việc ứng xử trong cuộc sống vợ chồng nó không chỉ là lời qua tiếng lại giữa hai vợ chồng mà nó còn là thông điệp của cuộc sống hạnh phúc gia đình. Ngoài ra nó còn có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con cái sau này. Bởi cha mẹ bao giờ cũng là tấm gương cụ thể nhất để con cái noi theo.
HOÀNG BÍCH HÀ