Nhiều năm trôi qua nhưng nghệ sĩ Tùng Dương vẫn nhớ như in chuyện nghệ sĩ Trần Hạnh nằng nặc đòi tặng cát-xê bằng cả tháng lương cho diễn viên Hoa Thúy - bà xã của anh lúc đó.
Dù nghèo khó, Trần Hạnh vẫn trích cát-xê tặng lại cho Hoa Thúy
Những năm cuối của thập niên 90, phim truyền hình chỉ có vài tập chứ không dài hàng chục tập như bây giờ. Cát-xê của diễn viên thời đó cũng rất bèo bọt, nhất là diễn viên phía Bắc. Tiền cho tổ diễn viên gồm cả vai chính - phụ lẫn quần chúng chỉ vỏn vẹn có 9 triệu bạc cho một tập phim truyền hình dài 70 phút. Chi trả hết bao nhiêu, còn lại là tiền lãi của “bầu”.
Phim nào ít nhân vật, ít quần chúng... nghệ sĩ tranh thủ đóng luôn vai thứ hoặc vai phụ thì khi xong phim bầu mới “găm” túi được chừng đôi triệu. Phim “xương” hơn thì chỉ vài trăm hoặc chẳng còn đồng nào. Thậm chí, có phim còn lỗ, nghĩa là móc két ra bù.
Hôm đó, trước khi phim đóng máy, tôi bàn với Hoa Thúy - vợ tôi lúc đó rằng: “Phim này anh làm bầu, hai vợ chồng lại đóng vai nữa nên lương lậu cũng không đến nỗi. Bố Hạnh phim này lại vất vả nên anh tính trả cát-xê cho bố cao một chút, em thấy sao?”.
Vợ tôi gật đầu lia lịa rồi nhíu mày: “Việc hợp lý như thế mà cũng phải hỏi vợ, hâm!”. Tôi trợn mắt: “Ơ, phải nói chứ, không lại bảo ông tiêu gì mà xong phim còn có từng này thôi, rồi lại nghi tôi có bồ, rồi ghen bóng ghen gió ầm lên...”.
Đóng máy xong, đoàn ngồi uống nước chè, ăn kẹo lạc và bánh gai ở quán nước gần bối cảnh. Sau khi bắn liền tù tì hai điếu thuốc lá Thăng Long, châm sẵn điếu thứ ba thì bố Hạnh xách túi đứng lên.
Tôi chạy theo: “Ơ bố ơi, bố định không lấy cát-xê mà cứ thế về à?”. Bố cười, nụ cười hiền lành quen thuộc, điếu thuốc lá vẫn ngậm lệch bên mép: “Ôi dào, lúc nào mày đưa chẳng được, bố vẫn còn tiền tiêu”.
Tôi ấn cái phong bì vào tay bố: “Bố còn tiền là việc của bố, phim xong rồi con phải trả cát-xê cho bố chứ”. Bố vẫn cười cười: “Ừ thế bố xin!”. Rồi bố xé phong bì, rút tiền bên trong ra. Một ý nghĩ xoẹt qua đầu tôi: “Bố xem mình trả bao nhiêu tiền ngay trước mặt mình? Bố cũng gớm đấy chứ, may mà mình không phải kẻ bóc lột, chứ không thì...”.
“Ôi, sao nhiều thế con, hay mày đưa nhầm phong bì?”, bố nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên.
“Dạ, không nhầm đâu bố, kinh phí phim này dư dả mà bố”, tôi đáp. Trong đầu tôi lúc đó khẽ trách thầm mình đã suýt chút nữa nghĩ xấu về bố. Bố nheo mắt nhìn tôi, cười khà khà: “Mày điêu!”.
Nghệ sĩ Trần Hạnh đã để lại cho đời những vai diễn không ai có thể thay thế
Thế rồi bố rút bốn tờ 100 nghìn tiền giấy (loại tiền mệnh giá to nhất lúc bấy giờ) có nghĩa là 400 nghìn (bằng một phần ba cát-xê của bố) đưa cho tôi: “Đây là chút quà nhỏ bố tặng vợ mày, nhớ chăm sóc vợ cho tốt vào”. Tôi đẩy ra: “Kìa bố, hôm nọ bố mua quà cho vợ con rồi mà, giờ còn quà gì nữa? Ai đời bố già cứ đi tặng quà cho thanh niên trẻ khoẻ, chẳng ra làm sao cả”. Bố lại dúi vào: “Ơ, tao tặng quà cho con ễnh chứ có tặng mày đâu, thằng vô duyên!”. Tôi lại cương quyết đẩy ra: “Kệ bố, con dứt khoát không cầm đâu”.
Hai bên kéo cưa một hồi thì bố nhét mạnh tiền vào túi áo ngực tôi, hất đầu về phía quán nước, nháy nháy mắt: “Đừng đùn đẩy nhau nữa kẻo lũ kia nó lại tưởng bố con mình có xích mích gì”.
Bố chơi khôn, bố cài tôi vào tình thế không thể nằn nì bố cầm lại tiền. Xin mở ngoặc nói thêm rằng, ngày đó lương giúp việc chỉ có 300 nghìn đồng/tháng, để mọi người biết, 400 nghìn đồng lúc đấy giá trị như thế nào.
Tôi đang gãi đầu gãi tai chưa biết nên xử lý sao thì bố đặt nhẹ tay lên vai tôi, lúc này bố không cười nữa: “Đàn bà có thai từ tháng thứ 3 trở đi tính tình rất ẩm ương, chiều nó một tí con ạ, đừng khó chịu rồi mắng nó như hôm nọ nữa, tội nó lắm! Thôi, bố về nhá!”. Rồi bố lặng lẽ bước đi, để lại tôi đứng một mình trong tâm trạng hỗn mang, đăm chiêu nghĩ ngợi về điều bố vừa nói...
Kỷ niệm không bao giờ quên với "bố" Trần Hạnh khi quay "Ngõ lỗ thủng"
Bẵng đi đúng 10 năm sau, tôi mới lại có dịp làm phim cùng bố. Đó là bộ phim “Ngõ lỗ thủng” của đạo diễn Trần Quốc Trọng quay 2008. Phim kể về cuộc sống của những lớp người đau khổ thời bao cấp nơi đô thị, khi chiến tranh vừa mới đi qua. Phim quay ở Hà Nội, Hưng Yên và Sơn Tây.
Thời gian này tôi đã bỏ nghề làm bầu và chuyển sang kinh doanh, chỉ tham gia phim ảnh với vai trò là diễn viên và chỉ nhận những vai mà mình cảm thấy thích. Trong phim, tôi và bố có rất ít cảnh đóng cùng nhau.
Nụ cười hiền lành, đôn hậu... của lão nghệ sĩ luôn thường trực trên môi
Có một hôm, đoàn quay trên Sơn Tây. Tôi vừa quay xong một phân đoạn tại hàng xổ số vỉa hè ở đầu đường thì thằng Bỉnh thư ký chỉ tay về cuối phố bảo: “Anh qua bối cảnh nhà Hạnh “cave” trước đi, lát anh quay với bố Hạnh ở đó. Đoàn ở đây quay thêm một phân đoạn ngắn rồi dọn về đó luôn”.
Tôi băn khoăn: “Mày gọi cho bố Hạnh đi. Sắp quay đến nơi rồi mà giờ vẫn chưa thấy bố đâu, tao sợ bố đi đường có chuyện gì”. Thằng Bỉnh xua tay: “Được rồi để em gọi, anh cứ qua đó đi!”.
Xin giải thích một chút về lý do tại sao tôi lại lo bố đi đường có vấn đề gì vì hồi đó bố đã 79 tuổi nhưng vẫn luôn tự cưỡi con xe cúp 82 đi khắp nơi (trên quãng đường 100 cây số đổ lại) và chẳng bao giờ thích đi xe ôm.
Tôi thủng thẳng đi bộ về bối cảnh trong phim nằm ở cuối phố, cách chỗ đang quay chừng gần 200m. Căn nhà vắng tanh chẳng có ma nào, có vẻ tổ họa sĩ đã bày biện xong bối cảnh và đang chạy đi đâu đó. Tôi vừa bước về phía chiếc sập định ngồi xuống thì bỗng nghe có tiếng lầm bầm ở phía sân đằng sau.
Tôi định thần, dỏng tai lên chăm chú nghe. Tiếng lầm bầm rõ hơn một chút, nghe khàn khàn, có vẻ như là giọng bố Hạnh. Tôi mở cánh cửa hậu, rảo bước theo con ngõ nhỏ ra khoảng sân phía sau nhà thì thấy bố Hạnh đang ngồi bệt tựa lưng vào tường, lẩm bẩm đối thoại với... quyển kịch bản trên tay, bên cạnh là bao thuốc bẹp dúm.
Hóa ra bố đã đến đây từ rất lâu rồi. Con người bố là vậy. Luôn đến sớm trước giờ hẹn, luôn ngồi sẵn ở bối cảnh, đốt thuốc lá và nhẩm lại thoại trước khi bấm máy, một sự tự trọng nghề nghiệp rất cao cùng với những thói quen rất giản dị, dân dã đến thô mộc ẩn trong một nhân cách nghệ sĩ lớn.
Tôi đánh mắt vào quyển kịch bản: “Cảnh này lời của bố có mấy câu ngắn thôi mà, bố nhẩm gì kỹ thế?”. Bố chậm rãi châm điếu thuốc mới, rít rồi nhả khói: “Bố già rồi, trí nhớ không còn được như những năm trước... không nhẩm kỹ lát quay quên thoại, đạo diễn nó mắng, rồi làm hỏng cả cảm xúc diễn của chúng mày nữa...”.
Tôi im lặng nhìn bố, cảm thấy hôm nay bố có vẻ trầm lắng hơn mọi khi, không cười đùa hóm hỉnh như những lần trước tôi gặp bố. Hai khóe mắt của bố cũng có cảm giác như hoe đỏ.
“Hình như hôm nay bố có chuyện buồn?”, tôi khẽ hỏi bố. Bố hỏi lại: “Sao mày nghĩ thế?”, tôi trả lời “Con thấy mắt bố hoe đỏ”.
Bố lại chậm rãi rít một hơi thuốc dài, nhả khói rồi nhìn ra xa xăm: “Bố thì chẳng có chuyện gì... nhưng lúc nãy đọc kịch bản, nhớ lại những tháng năm đó, những con người ngày đó, tự dưng thấy thương các nhân vật quá... Trung Trung Đỉnh nó xây dựng nhân vật giỏi thật. Những số phận cứ như đang sống quanh mình, bi kịch, không lối thoát, cay đắng và nghiệt ngã...”. Tôi ngồi lặng im, cố cảm nhận hết những điều bố nói...
Nghệ sĩ Trần Hạnh bên "con ngựa chiến" đã cùng ông rong ruổi trên nhiều cung đường trong năm tháng còn khỏe
Đúng ngày này năm ngoái, tôi tạt qua thăm bố. Bố bảo: “Mày viết tự truyện hay hồi ký gì đấy tương ngay bố vào phần I à?”. Mình bảo: “Vâng, chả phải bố quan trọng gì với con đâu, bố đừng tưởng bở, chẳng qua là chuyện của bố con nhớ nhất thôi”. Bố lại bảo: “Mày viết thì viết dài vào, đọc đang vào phơ thì hết, cụt cả hứng!”.
Mình nheo mắt tủm tỉm nhìn bố: “Thế bố không sợ con cứ viết tràng giang đại hải rồi lỡ miệng bóc phốt bố chuyện gì à?”. Bố bĩu môi: “Tao làm đếch gì có phốt, mày điêu”. Mình dứ ngón tay: “Bố đầy phốt, nhất là chuyện bà bán xổ số ở Sơn Tây hồi quay “Ngõ lỗ thủng”. Bố cười “khà khà”, vẫn điệu cười chân chất, mộc mạc, pha chút hóm hỉnh ngày nào, tuy âm lượng đã yếu hơn hẳn do tuổi tác. Rồi bố ngoắc tay tôi: “Được, mày viết đi, miễn là chân thật, vì cuộc sống vốn là tất cả những gì đã đi qua cuộc đời ta... nhưng thêm thắt chi tiết nào để dìm bố là chết với bố đấy, khà khà khà!”...
Theo Dân Việt