Chuyện tình hiếm có ở Cao Bằng, chàng kém nàng gần 36 tuổi, đã gây xôn xao cộng đồng mạng thời gian qua.
Tên chị là Lê Thị Thu Sao, chồng sắp cưới của chị là Triệu Hoa Cương. Chị là người dân tộc Nùng. Anh là người dân tộc Dao (Dao đỏ). Chị sinh năm 1957, anh sinh năm 1992. Chị sắp bước sang tuổi 62, anh mới vừa 26. Câu chuyện tình chênh lệch tuổi tác ở vùng cao đã trở thành chủ đề bàn luận rôm rả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực. Chị đưa cho chúng tôi xem hình ảnh chụp lại từ một trang báo của Úc nói về chuyện tình của anh chị: “Thực lòng mình không muốn chuyện riêng của mình ồn ào thế đâu”, chị nói.
Nhưng một khi đã chấp nhận kết hôn với một người người đàn ông kém xa tuổi mình, chị cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần trở thành… người nổi tiếng bất đắc dĩ, cũng như chịu đựng những dị nghị của một bộ phận cộng đồng mạng thích ném đá, ưa chỉ trích. “Tôi xem báo thấy ông Tổng thống Pháp yêu và sống công khai với cô giáo của mình. Tôi biết để có hạnh phúc ấy, ông phải vượt lên dư luận và trả giá không ít”, chị liên hệ đến chuyện tình nổi tiếng thế giới, để trấn an mình, càng thêm tự tin nắm lấy hạnh phúc cuối cùng ở tuổi xế chiều.
Biết ai thật với mình
Chúng tôi đến thăm chị Lê Thị Thu Sao vào một buổi tối. Cao Bằng yên ắng về đêm, ngôi nhà của chị sáng đèn nhưng vắng người. Chúng tôi chủ động vào nhà ngồi chờ chị (với người Cao Bằng, cửa nhà luôn mở, khách cứ tự nhiên ra, vào). Khoảng nửa tiếng sau, chị trở về, nở nụ cười tươi rói với những vị khách lạ không mời mà đến. Sau khi biết lí do của chúng tôi, chị cởi mở: “Mình vừa đi đưa thiếp cưới về. Đi một mình thôi. Vì chồng cũng phải về quê đưa thiếp rồi. Ở đây, phải đưa thiếp cưới sớm. Nếu đưa muộn sát ngày cưới người ta tự ái không đi”.
Chị Sao nói tiếng Kinh rõ ràng, trôi chảy nhưng những ai đã từng sống trong cộng đồng người dân tộc thiểu số sẽ ngay lập tức nhận ra âm hưởng của tiếng Tày, tiếng Nùng còn thoảng đó đây: “Mình sinh ra ở Phục Hòa (một huyện của tỉnh Cao Bằng-pv). Sau chiến tranh, (chiến tranh biên giới 1979- pv) gia đình mình chuyển về thị xã (nay là thành phố Cao Bằng- pv) sinh sống đến tận bây giờ”. Hiện tại, chị Sao là chủ một cơ sở nhỏ, vừa kinh doanh làm đẹp, vừa bán cà phê và có một dãy nhà trọ, đời sống vật chất ổn định.
Chúng tôi bất ngờ vì trong nhà chị vẫn treo tấm ảnh của chị và chồng cũ thuở mặn nồng. Đáp lại băn khoăn của chúng tôi, chị giải thích đầy tự hào: “Chồng mới tuy ít tuổi nhưng đáng khâm phục, có tư cách. Hôm chúng tôi chụp ảnh cưới xong, tôi muốn cất những bức ảnh của quá khứ đi. Anh ấy nói: Để im đấy, dù sao anh là người đến sau, tất cả những bức ảnh này là quá khứ, mãi mãi là kỷ niệm, không được bỏ đi đâu hết. Người ấy đồng ý cho anh chăm sóc em, là người ấy đã đặt niềm tin vào anh”.
Nói về lý do trao gửi phần đời còn lại cho người đàn ông trẻ tuổi, chị khẳng định như đinh đóng cột: “Tôi bằng này tuổi, biết ai thật, ai giả với mình”. Chị khen chồng sắp cưới “ăn học đàng hoàng”: “Anh ấy học ở trường đời rất nhiều. Học xong lớp 12 anh đi học lái máy xúc 1 năm ở Thái Nguyên, có bằng lái máy xúc đấy. Đi làm một thời gian anh ấy lại chuyển sang nghề làm khung nhôm, cửa kính, mái tôn. Từ lúc học xong phổ thông đến giờ, anh ấy chỉ ở nhà khoảng một năm, còn lại lăn lộn trường đời”. Ngay cả trong tình yêu, chàng trai người Dao cũng giữ vị trí dẫn lối đưa đường, chị Sao tiết lộ.
Chàng trai người Dao dâng hoa mua để cầu hôn người đàn bà dân tộc Nùng
Chiêu tỏ tình gây sốc
Chị Sao nhớ lại thuở ban đầu, ánh mắt lấp lánh vui: “Anh gặp tôi ở spa của tôi. Trai chưa vợ nên nhiều mụn lắm. Tôi vẫn giữ những ảnh từ hồi đầu anh đến chăm sóc da. Anh gọi tôi là cô. Một liệu trình điều trị mụn gồm 6 lần nhưng mới qua vài lần tiếp xúc, thấy tôi tính tình vui vẻ, trẻ trung anh đã đề nghị đổi cách xưng hô, từ cô sang chị”. Vì có thiện cảm với bà chủ nên chàng trai Dao đỏ hay rủ bạn đến quán của chị uống cà phê. Nhiều lần trông thấy bát đũa bẩn của chị để ở chậu chưa kịp rửa, chàng lao vào rửa giúp. Chị thắc mắc trong đầu: “Quái lạ, cậu nhóc này sao cứ hay giúp đỡ mình?”. Công việc kinh doanh bận bịu nên thắc mắc ấy cũng mau chóng trôi qua, cộng thêm sự chênh lệch quá lớn về tuổi tác khiến chị không dám nghĩ xa xôi. Có khi chàng trai trẻ đến chơi vào lúc chị đang dùng bữa, chị vồn vã: “Chưa ăn cơm thì ngồi xuống đây ăn. Mà ăn rồi cũng ngồi xuống uống chén rượu”…
Một ngày cuối năm 2017, Triệu Hoa Cương hỏi chị: “Chị ở một mình tết có gói bánh chưng không?”. Chị đáp: “Có chứ. Chị không ăn được nhiều nhưng vẫn làm để cúng tổ tiên vì hồi mẹ chị còn sống bà hay làm bánh chưng, bánh gai”. Những quan tâm của anh tới đời sống của chị mỗi lúc thêm gần gũi. Anh đưa chị đi sắm tết ở phiên chợ tết cuối cùng của quê mình. Tại đây, anh tạo cơ hội để chị gặp mặt đấng sinh thành ra anh. Ngày cuối cùng của năm, anh về quê rửa nhà giúp bố mẹ, theo phong tục người Dao đỏ. Thương chị đón giao thừa một mình, các con đã có gia đình riêng, lại ở xa, đêm xuống, anh vội vã chạy xe vài chục cây số trong giá rét của núi rừng để ra thành phố đón giao thừa cùng chị, không quên xách theo một con gà to để chị làm cơm cúng gia tiên.
Cứ thế tình cảm lớn dần nhẹ nhàng như hơi thở, anh chủ động quyết định định mệnh của cả hai: “Hôm ấy trên đường về quê thanh minh, đến một đồi hoa mua, anh dừng lại hái hoa mua, tôi cứ tưởng anh hái hoa mang về nhà cắm, nào ngờ, anh đã để sẵn điện thoại ở chế độ chụp tự động, rồi chạy đến quì dưới chân tôi: “Chị ơi, nhận hoa của em”. Tôi còn hỏi lại: “Làm trò gì thế?”. Đến tối, tôi vào mạng, nhìn thấy trên trang cá nhân của anh bức ảnh anh quì gối tặng hoa cho tôi, kèm dòng chữ: “Mình nghèo, không gấm lụa, không nhà lầu, xe hơi chỉ có một bó hoa rừng, liệu người ta có nhận lời cầu hôn của mình không ta?”. Tôi tự ái, mắng: “Em làm sao thế? Có hỏi ý kiến của chị không mà đăng ảnh? Em đừng đùa cợt với cuộc sống của chị vì chị có tuổi rồi”. Thế mà anh ấy thản nhiên: “Có sao đâu. Em thích chị mà. Tình yêu không phân biệt tuổi tác”, chị kể.
Từ khi ngỏ lời cầu hôn công khai trên mạng xã hội, chàng trai người Dao ra đòn “tấn công” quyết liệt hơn. Khi đi làm, đến giờ giải lao, anh tranh thủ gọi điện thoại trò chuyện cùng chị. Gặp chị, anh lại tỏ tình: Chị ơi em nhớ chị. Buổi tối, anh đưa chị đi dạo phố. Sự sôi nổi, nhiệt tình của chàng trai trẻ cuối cùng đã khiến người đàn bà từng trải “đổ gục”.
Đám cưới vượt qua định kiến
Chồng chị Sao mất cách đây 8 năm bởi một căn bệnh hiểm nghèo. Niềm khát khao được sống của anh trong những giây phút cuối đời ám ảnh chị: “Kể cả con giun cũng không muốn chết, huống chi con người”, chị bùi ngùi. Cũng như chị, một phụ nữ cô đơn ở tuổi 60 vẫn không nguôi khao khát về một hạnh phúc lứa đôi: “Là người phụ nữ ai cũng muốn cuộc đời của mình hoàn hảo với một gia đình êm ấm”, chị thổ lộ. Nhưng lấy một người chồng thua mình gần 36 tuổi là một việc ngoài dự tính của chị. Song bây giờ chị thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ: “Tôi bất chấp tất cả để đến với anh”. Có những lời độc địa xoáy vào chị: Bằng này tuổi không yên phận, lại còn đi bước nữa. Có người nghi ngờ: Chàng trai trẻ người Dao lợi dụng tài chính của chị. Anh im lặng không phản ứng bằng lời nói nhưng chứng minh qua hành động, bằng cách vẫn tiếp tục công việc kiếm sống vất vả của mình trước đây. Tiền lương hàng tháng anh đưa chị giữ hết. Biết chị không còn khả năng sinh nở, anh bàn với chị: Chúng mình sẽ nhận con nuôi. Không sao cả. Anh rất được lòng hai con riêng của vợ, họ chỉ kém anh vài tuổi. Các con của chị ủng hộ cuộc hôn nhân của mẹ: “Chúng con đi làm xa, có chú ở nhà chăm sóc mẹ những khi mẹ ốm đau, con cảm ơn chú còn không hết”.
Gia đình chú rể đang cùng nhau kết rèm cửa chuẩn bị đón dâu
Chúng tôi hỏi chị có gặp trục trặc khi đối diện với nhà chồng không? Chị khoe: Cả gia đình nhà chồng chào đón chị. Bố chồng, mẹ chồng đều nói tiếng Kinh trôi chảy, biết nói cả tiếng Tày- Nùng, nên chị không gặp khó trong giao tiếp. Người Dao đỏ tạo điều kiện cho con cái được lập gia đình theo ý nguyện, đó được xem là nét văn minh, tiến bộ và cũng đầy nhân văn. Bố chồng của chị cất công đi 20 cây số để đặt tủ, giường mới cho buồng cô dâu-chú rể. Cả nhà chị, từ mẹ chồng đến chị dâu ngồi quây quần trên chiếu tỉ mẩn xâu vòng để làm rèm cửa cho chị. Mẹ chồng còn tặng chị bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao với mong muốn con dâu mặc trang phục ấy chụp vài tấm ảnh kỷ niệm trong ngày cưới.
Người Dao đỏ ở quê anh, một huyện lị, tỉnh Cao Bằng, thường cưới làm nhiều đợt, vì họ sống không tập trung nên không đủ điều kiện mời tất cả bạn bè, người thân tụ họp trong một ngày vui. Chị Sao có may mắn khi nhà bố mẹ chồng lại sát nhà anh chồng, cùng nằm bên một khe núi, mỗi ngôi nhà sàn có 5 gian, tổng cộng là 10 gian nhà sàn, đủ sức chứa cho 40 mâm cỗ. Đàng nhà gái, chị Sao tự đứng ra lo liệu, chị chỉ mời 20 mâm cỗ nhưng rất nhiều người không được mời vẫn muốn đến chia vui. Một bạn trẻ ở tận Hà Giang đã cất công đến Cao Bằng tìm chị Sao, để xác thực chuyện tình 62-26. Sau đó, bạn gái xúc động xin được làm phù dâu cho đám cưới. Dù sao, chị Sao cũng khai phá một điều mới mẻ cho phụ nữ vùng cao: Ở tuổi nào, người phụ nữ cũng xứng đáng yêu và được yêu, được mưu cầu hạnh phúc riêng tư. Con người vùng cao với sự hồn nhiên, mãnh liệt của mình đã dệt nên những câu chuyện tình hiếm có, khó tin.
Theo Tiền phong