Xã hội

Sau cải cách tiền lương, những đối tượng nào được hưởng mức lương cao nhất?

TN (theo Sức khỏe và Đời sống) 25/03/2024 12:00

Sau cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, những đối tượng nào được hưởng mức lương cao nhất là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Sau cải cách tiền lương, những đối tượng nào được hưởng mức lương cao nhất?- Ảnh 1.
Khi cải cách tiền lương, viên chức y tế và giáo dục có thể sẽ được hưởng mức lương cao hơn mặt bằng chung

Theo đó, nhóm công chức, viên chức này có thể sẽ được hưởng mức lương cao hơn mặt bằng chung khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

2 đối tượng được hưởng mức lương cao nhất khi cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Theo Bộ Nội vụ, phương án cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công viên chức sẽ được tăng khoảng 30%, bao gồm lương cơ bản và phụ cấp.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và viên chức y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Nguyên nhân là do chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.

Theo đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phần phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo có đề cập đến nội dung như sau: "Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Trong khi đó, Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với nội dung: "Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế. Xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo. Có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong...".

Ngoài ra, đợt dịch Covid-19 đi qua càng cho thấy rằng đời sống của đội ngũ cán bộ giáo dục và y tế cần được quan tâm và nâng cao hơn nữa. Vì vậy, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để bảo đảm tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với 2 ngành này.

Như vậy, từ thông tin trên và theo tinh thần Nghị quyết 27 thì tiền lương mới viên chức giáo dục và y tế từ 01/7/2024 là hai ngành có thể được hưởng mức lương cao hơn mặt bằng chung khi cải cách tiền lương.

Sau 2024, mức lương công chức viên chức có tăng nữa hay không?

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho biết: Những năm qua, mặc dù khó khăn trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 từ ngày 01/7/2024 trong 3 năm 2024 - 2026.

Điểm chú ý trong kỳ họp kỳ họp này, là thông tin từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Như vậy, nếu đúng lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 thì từ 2025 trở đi tiếp tục tăng mức lương bình quân 7%/năm cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Chính thức khuyến nghị về lương tối thiểu vùng năm 2024

Hiện nay, lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.

Mới đây, Hội đồng tiền lương quốc gia vừa chính thức khuyến nghị với Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 1/7/2024. Mức tăng được hội đồng đề xuất là 6%, tương ứng tăng 200.000 đồng - 280.000 đồng. Cụ thể, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng. Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.Như vậy, cùng với thời điểm cải cách tiền lương trong khu vực công, mức lương tối thiểu vùng cũng được đề xuất điều chỉnh từ 1/7/2024.

TN (theo Sức khỏe và Đời sống)
(0) Bình luận
Sau cải cách tiền lương, những đối tượng nào được hưởng mức lương cao nhất?