Tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVI, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã trình bày Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025 của UBND tỉnh.
>>>Khai mạc Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đọc Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025
Theo báo cáo, trong 5 năm qua (2016-2020), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực triển khai, thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 bùng phát nhanh từ đầu năm 2020. Khắc phục khó khăn, tỉnh đã giành được những kết quả quan trọng và khá toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 trong tổng số 18 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm đã đề ra.
Trong đó, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như: GRDP tăng bình quân 8,1%/năm (kế hoạch là 8 - 8,5%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (7,7%) và cao hơn mức bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm 90,3% GRDP (năm 2015 chiếm 78%). Nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng từ 80,6% (năm 2015) lên 87,1% (năm 2020), đặc biệt từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh (từ 18,7% lên 30,8%). Quy mô kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015 (đứng thứ 11 trong toàn quốc và thứ 5 trong vùng đồng bằng sông Hồng). Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tăng từ 35,2% (giai đoạn 2011-2015) lên 47,1% (giai đoạn 2016-2020)...
Toàn tỉnh tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các đột phá chiến lược về cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, đạt được một số kết quả tích cực, nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng.
Trong 5 năm tới, dự báo tỉnh ta sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng và suy thoái do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Kinh tế của tỉnh chưa có sự phát triển bứt phá so với tiềm năng, lợi thế. Nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế, chủ yếu từ tiền sử dụng đất, trong khi đó nguồn thu từ đất đai ngày càng co hẹp...
UBND tỉnh đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong 5 năm tiếp theo gồm: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 9% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng (tương đương 4.800 USD), năm 2030 đạt 200 triệu đồng (tương đương 7.700 USD). Thu nhập thực tế bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 8%, công nghiệp - xây dựng 61,5% và dịch vụ chiếm 30,5%. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 33%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 55%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 95%. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 8,5%/năm. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng hằng năm từ 15% trở lên. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản năm 2025 đạt 210 triệu đồng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025 đạt 20%. Thu ngân sách nội địa tăng bình quân 10%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt trên 45%...
3 khâu đột phá được UBND tỉnh xác định trong 5 năm tới là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch; nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị.
UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành chủ động thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch Covid-19 để sớm hồi phục và lấy lại đà phát triển kinh tế, tạo bước đột phá trong thực hiện cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chuyển nhanh từ tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên yếu tố lao động giá rẻ, vốn sang tăng trưởng theo chiều sâu nhờ trình độ công nghệ, phương thức sản xuất và năng suất lao động; tăng trưởng dựa trên thúc đẩy tiêu dùng và tăng cường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ...
PV