Đầu tư vào năng lượng tái tạo gia tăng cùng với hệ thống điện linh hoạt và hệ thống tiết kiệm năng lượng đang phổ biến trên toàn cầu.
>> Bài 1: Hiện trạng và xu hướng chuyển dịch hệ thống điện
Điện gió và điện mặt trời đang phát triển mạnh trên toàn cầu
Tuy vậy, Việt Nam cần cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng liên quan để đưa ra các chiến lược, chính sách nhằm duy trì tốc độ chuyển dịch từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo như hiện nay.
“Chu kỳ lên xuống” trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở châu Âu là bài học kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam trong việc áp dụng những mô hình và nhân rộng để duy trì tốc độ phát triển nguồn năng lương tái tạo một cách ổn định và bền vững trong tương lai.
Năng lượng điện Mặt trời áp mái của Ấn Độ
Việt Nam và Ấn Độ đều sở hữu những nguồn năng lượng đa dạng, nhất là nguồn năng lượng tái tạo. Trong những năm qua, Chính phủ Ấn Độ cũng đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng cách tìm kiếm, phát triển những nguồn năng lượng mới.
Việc thành lập riêng Bộ Điện năng và Bộ Năng lượng mới và tái tạo cho thấy, Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng, đặc biệt là sản xuất năng lượng tái tạo cho mục tiêu phát triển bền vững.
Tính đến năm 2018, Ấn Độ đã có 176 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 814 triệu đô la Mỹ. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam như: Dự án sản xuất điện Mặt trời tại Bình Thuận của Tập đoàn TATA, Dự án đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo công suất 1.000 MW của Tập đoàn Adani; Dự án đầu tư của Tập đoàn Suzlon để sản xuất thiết bị tuabin điện gió và xây dựng các cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Định…
Với kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng tái tạo nhờ mô hình năng lượng điện mặt trời áp mái của Ấn Độ, đại diện của Amplus Solar (thành viên của Tập đoàn Petronas, Malaysia), ông Ojavis Gupta cho biết: Tổng công suất năng lượng điện tại Ấn Độ vào ngày 31/3/2019 là 356 GW, trong đó năng lượng tái tạo là 78 GW (chiếm 22%).
Chính phủ Ấn Độ đang tập trung xây dựng và thúc đẩy mạnh phát triển điện Mặt trời áp mái bằng cách tạo ra thị trường nhờ đấu thầu, cơ chế khuyến khích dựa trên năng suất, hỗ trợ lãi suất, thời kì miễn thuế, cơ chế bù trừ… nhằm đạt mục tiêu 100 GW điện Mặt trời tới năm 2022, trong đó 40 GW từ điện Mặt trời áp mái.
Xét trong trường hợp của Việt Nam, ông Ojavis Gupta đề ra hai khía cạnh quan trọng cần được giải quyết. Trước hết, với mô hình lắp đặt hoạt động điện Mặt trời áp mái nên được phép kêu gọi sự tham gia từ các bên tư nhân lớn hơn. Mặt khác, đơn giản hóa khung pháp lý cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để đầu tư vào điện Mặt trời áp mái.
Luật Năng lượng tái tạo (EEG)
Ông Markus Steigenberger, Phó Giám đốc Agora Energiewende (Cộng hòa Liên bang Đức) so sánh hệ thống điện giữa Việt Nam và Đức. Theo số liệu thống kê của Quy hoạch điện VII và Chương trình hỗ trợ điện từ Đức vào Việt Nam, tỷ phần năng lượng tái tạo của Việt Nam chỉ chiếm 1% vào năm 2017, trong khi ở Đức là 25% năm 2018. Con số này sẽ ngày càng được tăng lên khi Chính phủ Đức coi chuyển dịch năng lượng là một chiến lược dài hạn giúp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, Đức sẽ đóng cửa tất cả các cơ sở hạt nhân cho đến cuối năm 2022, đóng cửa tất cả nhà máy điện than vào cuối năm 2038, tăng tỷ phần của năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng lên mức 60% vào năm 2050.
Theo các tổ chức nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng tại Đức, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đức thành công một phần là do chính người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường tại Đức đã tham gia góp phần trong các cuộc thảo luận chính sách của Chính phủ, quá trình chuyển đổi và các chính sách kèm theo đã được thảo luận sâu rộng trước khi được đưa ra.
Các tổ chức nghiên cứu khoa học và các tổ chức vận động bảo vệ môi trường ở Đức đóng vai trò là nơi tạo ra các diễn đàn thảo luận cho dân chúng tham gia, cung cấp bằng chứng khoa học và thông tin đến công chúng thông qua các hình thức, phương tiện khác nhau như hội thảo, tọa đàm, xuất bản báo cáo, infographic...
Luật Năng lượng Tái tạo (EEG) ra đời năm 2000 quy định việc Chính phủ cam kết một mức giá cố định và có hiệu lực 20 năm cho việc mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo hòa lưới.
Chính sách này đã tạo ra sự bùng nổ về đầu tư của người dân và doanh nghiệp Đức cho sản xuất điện tái tạo, đặc biệt là chính sách cam kết mua điện với giá cố định trong thời gian dài nêu trên đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng để đầu tư cho sản xuất năng lượng tái tạo. Hiện Đức có hơn 1.500 hợp tác xã điện tái tạo do người dân lập ra và hơn 1,5 triệu nhà sản xuất điện độc lập.
Bên cạnh đó, nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ thân thiện môi trường, đặc biệt là công nghệ trong ngành năng lượng tái tạo nên trong hơn 20 năm qua, nhiều phát minh mới đã giúp giảm giá thành của nhiều công nghệ đặc biệt là trong việc sản xuất pin điện mặt trời.
“Đẩy mạnh năng lượng tái tạo là một hướng đi chính xác, tuy vậy cần phải giải quyết được những thách thức về tính linh hoạt của hệ thống. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời chiếm 2/3 lượng điện từ năng lượng tái tạo, nhưng tỉ trọng của hai nguồn năng lượng này luôn biến đổi do đặc tính tự nhiên, điều này dẫn đến những thời điểm thừa điện và thiếu điện. Để giải quyết cho tính linh hoạt này, 3 giải pháp chính có thể áp dụng vào Việt Nam mà Đức đã thực hiện rất thành công, đó là: đẩy mạnh phát triển mạng lưới truyền tải điện, cơ sở hạ tầng; duy trì song song hệ thống phát điện truyền thống (nhiệt điện, hóa thạch…) một cách linh hoạt; thúc đẩy công nghệ lưu trữ (pin, ắc-quy, thủy điện…)”, ông Steigenberger nhấn mạnh.
Theo TTXVN
Bài cuối: Huy động đồng lợi ích từ năng lượng tái tạo