Ba người đàn ông vô gia cư hợp lại mua miếng đất trăm mét vuông, cất ngôi nhà nhỏ ở ngã ba đường vào làng Thượng.
Minh họa: HUY CHƯƠNG
Họ có ba người: Ông Đăng không vợ con, ông Tửu vợ mất năm ông mới hai mươi bảy tuổi, ở vậy đến già, ông Ngang vợ mất, con gái đi lấy chồng xa. Ba người đàn ông vô gia cư hợp lại mua miếng đất trăm mét vuông, cất ngôi nhà nhỏ ở ngã ba đường vào làng Thượng.
Thường ngày, quãng chín, mười giờ gì đó, một người xách giỏ ra chợ mua thức ăn về làm bếp, còn hai người kia đi làm. Bữa nọ, con gái ông Ngang về làng, đến ngã ba tìm cha, gặp lúc ông Đăng xăng xái đi chợ về, liền lên gân cổ: “Cha tôi đâu? Mấy ông quyến rũ cha tôi bỏ nhà bỏ cửa đi ở chung ở đậu”.
Người đàn ông vạm vỡ như lực sĩ, tóc râu cứng như rễ tre, tiếng nói oang oang như chuông đồng, ném cái giỏ xuống nền nhà, rau quả lăn lông lốc, chống nạnh, gầm lên như cọp: “Cô hỉ mũi chưa sạch dám hỗn láo với già? Ai quyến rũ cha cô? Sao không đưa ông ấy về mà nuôi dưỡng? Đồ con gái đái trên đầu mả!”. Người phụ nữ sợ hết hồn. Phần thì đuối lý nên cứ ậm ờ không nói ra lời. Ông lão tính nóng như lửa, nhưng cũng nguội mau như bánh xèo nhồi ruột ngựa: “Cháu biết sai là tốt. Ngồi đấy chơi, đợi già thổi cơm cho mà ăn. Chốc lát ông ấy về muốn rước đi đâu thì rước. Mà già nói thật, cháu có khiêng ông ấy cũng không đi đâu. Nửa đêm cháu có thức dậy nấu nước, uống trà, trò chuyện với ông ấy được không? Cháu còn lâu mới hiểu được tâm tính của người già”.
Con gái ông Ngang nét mặt từ cau có chuyển sang sượng sùng chỉ trong nháy mắt. Cô bắt đầu tìm sự đồng cảm với ông già: “Dạ, cha cháu ở với các bác cũng vui chứ ạ. Khổ nỗi cháu sợ thiên hạ bảo vợ chồng cháu ăn ở bất hiếu với cha già”. Ông cụ nhặt nhạnh rau quả cho vào rổ, ngẩng đầu lên, giọng xa vắng: “Các cháu cứ lo chuyện hão. Cứ năng lui tới thăm viếng ông cụ là hiếu đạo rồi đó. Hiếm chi kẻ cha mẹ ở chung một nhà, nhưng đối xử ghẻ lạnh như người dưng, nước lã. Sự hiếu đạo cốt ở trong tâm cháu ạ. Cha cháu với ông Tửu về rồi kìa. Hai ông với già đây khai hoang hơn héc ta đất vườn. Tháng nữa cháu đến tha hồ ăn dưa hấu. Cháu nhấc xoong cơm cho già kẻo cháy khét".
Ông Đăng tất tả xách giỏ cá ra thềm giếng cũng là lúc hai ông bạn già vác cuốc vào nhà. Con gái ông Ngang ngước mắt nhìn cha, rơm rớm: “Cha!”. Ông Ngang ngạc nhiên, nhìn con gái, giọng nói khàn đi: “Con Hai về hồi nào? Sao biết cha ở đây mà tới?”. Người phụ nữ bước đến đỡ cái cuốc trên vai cha, chuyển sang vai mình đi thẳng ra cửa sau. Trước khi đi, cô còn hối thúc: “Cha với bác đi rửa ráy, ăn cơm rồi con thưa chuyện”. Ông Tửu quay sang người bạn già, nháy nhó: “Con gái rượu của anh muốn bắt cóc cha của nó đem về canh giữ chắc?”. Ông Ngang cười khùng khục: “Hơn hai mươi năm rồi nó theo nài nỉ, ỉ ôi tôi đi thêm bước nữa. Nó giận hờn có, khóc lóc có còn chưa xoay chuyển được tôi nữa là”.
Bốn người cơm nước xong xuôi, ông Ngang vào trong phòng bê ra con heo đất sơn màu đỏ chót đặt giữa nhà, nói với con gái: “Cha biết con thương cha nên mới lặn lội tới đây đón cha về ở với con để lúc trái gió trở trời có người chăm sóc. Nhưng đây, cha và hai người bạn già đã có của dư của để nằm im ỉm trong bụng con heo đất này. Con khỏi phải lo cho cha túng thiếu. Lúc cha đau yếu thì đã có mấy ông bạn già chăm sóc nhau. Lúc cha qua đời, con không về kịp thì có Hội Bảo Thọ lo. Làm con mà trái ý cha là mang tội bất hiếu đó”.
Con gái ông Ngang mặt buồn rười rượi, cắp nón bước thẳng, còn hai ông bạn già của ông Ngang thì bật cười khoái trá.
*
Vừa rồi, mấy đêm liền ngôi đình ở làng Thượng bỗng dưng có tiếng nói chuyện rổn rảng. Thỉnh thoảng có những đốm lửa lóe sáng như ma trơi, rồi có những bóng đen vất vưởng khiến cho những người đi sớm, về tối sợ xanh hồn, bạt vía.
Ngôi đình có ma!!!
Dân trong làng xôn xao bàn tán. Chính quyền xã triệu tập cuộc họp gồm những người sành súng ống, võ nghệ để lập trận tập kích phá nát ma trơi. Vào một đêm cuối tháng, trời tối ngửa bàn tay không nhìn thấy, anh chàng Quắm - Xã đội trưởng nguyên là sĩ quan đặc công thời đánh Mỹ tay cầm khẩu súng tiểu liên trườn vào đình như con trăn, không gây tiếng động. Theo sau ông là hai chàng công an xã cũng từng làm lính trinh sát phục viên.
Nơi có ánh lửa lóe lên thu ngắn dần. Một con ma có lẽ già nua lắm nên tóc râu bạc trắng, hố mắt sâu hoắm, đen ngòm. Còn một con ma má hóp, râu vẩu lên như rễ tre. Hai con ma đang tính toán chuyện bắt hồn người nộp mạng cho Thành hoàng không sai. Mọi người nín thở, bầu không khí ngột ngạt như muốn vỡ tung. Tiếng nói của ma tóc, râu bạc trắng rõ mồn một: “Tụi mình phải bắt hồn gã trưởng thôn cho bõ ghét!”. Ma má hóp hắng giọng: “Cho mấy thằng ăn trộm vặt chầu Diêm Chúa là xong”. Ma tóc râu bạc trắng dụ dự: “Theo anh nên bắt thằng nào trước?”. Ma má hóp nghiến răng: “Bắt ngay mấy thằng không tôn kính thánh thần, chọc giận tiền hiền lóc thịt bỏ vào vạc dầu cho đáng đời quân ăn trộm”.
Tay Xã đội trưởng bỗng ngây người: “Quái lạ! Con ma này nghe tiếng nói quen quen. Chắc nó là người từng ở quanh quẩn trong làng này chứ không xa”. Anh chàng nâng khẩu tiểu liên hướng về những con ma trơi định siết cò. Nhưng không hiểu sao anh lại hạ súng xuống nghĩ ngợi: “Ma chi nói chuyện ríu ran lạ nhỉ? Hay là người? Vô lý quá! Có ai khùng không đấy? Nửa đêm nửa hôm kéo vào đình làm gì? Mà có khi khùng thật chứ chẳng chơi! Khùng khình ở đình, ở miếu là chuyện bình thường mà”.
Anh chàng nguyên là lính đặc công tiếp tục tiếp cận mục tiêu, ánh lửa lại lóe sáng. Lần này thì “mũi trưởng” đứng phắt dậy, phóng tới kêu vang: “Ối trời đất ơi! Bác Ngang và bác Tửu đây mà! Các cụ sinh tật vừa vừa chứ. Nhà cửa ngon lành không ở, tự dưng đi ở đình, ở miếu là sao? Báo hại dân làng sợ ma nơm nớp”.
Hai ông già lần mò tìm cái đèn hột vịt, châm lửa. Hai trinh sát chồm tới bật cười khành khạch: “Các bác làm tụi cháu mất ăn, mất ngủ cả tuần nay. Hết chỗ “tâm sự loài chim biển” hay sao kéo tới chốn này làm khổ đời lính tráng?”. Ông Tửu giọng ồ ồ, vung tay, múa chân như kép độc: “Mấy ông già này chưa hỏi tội các chú là còn may đấy. Tôi hỏi mấy chú, hai con sư tử đá trước cửa đình giờ đâu rồi? Nhiệm vụ của chính quyền địa phương là bảo tồn di sản văn hóa của làng xã. Mấy chú để kẻ gian cuỗm mất hai con sư tử đá có mặt ở cái đình này hàng trăm năm nay. Cái tội ấy không phải là nhỏ”.
“Mũi trưởng” công tác à lên một tiếng, giọng vui hẳn lên: “Trời ạ, thì ra hai bác tự nguyện đến đây giữ đình?”. Ông Ngang cười khục khặc. Tiếng cười của ông gieo vào đêm khuya một nỗi buồn rờn rợn: “Tôi và ông bạn già này muốn làm bạn với thánh thần để sau khi qua đời được đưa lên cõi trên cho vong hồn siêu thoát”. “Mũi trưởng” đặc công “công đình” không trúng đích liền tự chịu phạt: “Bữa nay uống mừng cuộc gặp gỡ bất ngờ với các bác đi nào, “nước non” tôi lo. Thằng An nhỏ nhất đi mua rượu, thịt về đây!”.
Bên kia hàng rào râm bụt có hai bóng đen rình rập, to nhỏ: “Đem trả quách hai con sư tử đá cho xong mày ạ. Tao nghĩ tụi mình có tiêu thụ được thì số tiền ấy nuốt cũng không trôi. Di vật của thánh thần ăn vô giảm thọ lắm! Mày nghĩ sao?”. Có tiếng trả lời thẽ thọt: “Ừ, mày nói cũng phải. Tao thì chả sợ ma quỷ, thần thánh gì ráo, nhưng thấy hai ông già cốp rốp đáng tuổi ông nội mình thức đêm giữ đình tội nghiệp. Với lại chính quyền họ không để yên cho tụi mình đâu”.
Họ lúi nhúi đào móc trong góc vườn, hì hục bê từ cái hầm gần bụi tre, đưa lên hai con sư tử đá. Mỗi người vác trên vai một con âm thầm đi tạt vào con đường phía sau ngôi đình. Sau đó họ cẩn thận đặt hai con sư tử xuống nền nhà bếp của ngôi đình rồi trở về lối cũ. Trước thềm đình, cuộc nhậu vẫn còn đang tiếp diễn rôm rả, vô tư. Có lẽ các Thành hoàng cũng không nỡ ngăn cấm niềm vui của họ.
*
Ba ông già bán dưa ở ngã ba đường. Một đống dưa khổng lồ như quả núi xanh bóng từ dưới mặt đất nhô lên. Khách hàng là các bà, các chị tuổi sòn sòn, mặc cả râm ran: “Bác bán cho cháu quả này bảy ngàn là cao giá rồi đó. Các bác già cả rồi nên cháu mua giúp cho đấy”. Ông Tửu huơ huơ chiếc giỏ lát, giọng không chì chiết, nhưng rành rọt: “Chúng tôi tuy già, nhưng không thích nhờ vả các cô theo kiểu đó. Chúng tôi còn làm lụng nuôi sống bản thân qua ngày, không muốn phiền ai”. Một chị đồng tình: “Ông cụ nói phải đấy. Thuận mua, vừa bán chứ ai lại đã bán hàng còn trông vào sự ban ơn của người khác bao giờ. Đừng tưởng bở, ba ông cụ khai hoang, trồng cả héc ta dưa hấu, giỏi quá trời luôn. Cháu mua hai quả mười bốn ngàn đồng, bác trả lại cho cháu sáu ngàn”.
Ông Tửu lấp bấp lấy tiền từ trong chiếc giỏ lát ra, áp sát vào mắt nhìn đi, nhìn lại cẩn thận rồi mới trả lại tiền thừa cho khách. Cái bộ tịch của ông chậm như rùa, nhưng không ai nỡ trách cứ, hối thúc. Mà ai đó có than phiền một chút cũng chẳng hề hấn gì. Miễn sao những đồng tiền vào - ra đừng sai một xu là được. Các bà, các chị còn lại nổi máu sĩ diện hão, không còn đôi co giá cả nữa, họ mua răm rắp cứ mỗi quả bảy ngàn đồng. Ông Ngang thấy vậy nói nhỏ với ông Đăng: “Hôm nay mình gặp người mở hàng mau mắn nên bán dưa hết sạch cho mà xem”. Ông Đăng thì cười hể hả: “Bữa nay đi bán hàng rất may không gặp thằng què, con thọt nào. Ngày xưa mỗi lần bà xã tôi đi bán rau về trễ, mẹ tôi thường càu nhàu: “Con Hai buôn bán cái gì trưa trật rồi chưa về, chắc là nó chờ bán rau cho mấy người què đến chậm”. Ông Tửu chen vào: “Phàm là người buôn bán phải liếng thoắng mới mong khấm khá. Mấy ông có nghe tôi nói một câu mà bán được tới mấy chục quả dưa ngon ơ. Ta phải biết vuốt ve tự ái của phụ nữ đúng nơi, đúng lúc”. Ông Ngang loay hoay sắp lại mấy quả dưa cho gọn gàng, cất tiếng rao mời khách, ngâm nga nhại thơ của Tế Xương: “Quanh năm buôn bán ở ngã ba/ Nuôi sống đời vui mấy bạn già…”. Bỗng đâu chiếc xe ôm phanh ken két sát bên lề đường. Một chị bước xuống, móc ví tiền ra trả, rồi xăm xăm tiến lại chỗ bán dưa, kêu to: “Các bác ơi! Bán cho cháu quả dưa”. Ông Đăng cười rung rinh chòm râu trắng: “Cha mày! Không về phụ bán dưa với mấy ông già, còn ở đó chọc với ghẹo”. Tiếng cười lại giòn giã: “Thì con đã về đây này. Trời ơi! Dưa to thế! Các bác giỏi thật!”. Ông Tửu vỗ nhẹ trên vai của người phụ nữ: “Con gái mua những gì về cho cha già đâu, bày ra đây ăn đỡ lòng chứ tụi này đói lắm rồi”. Con gái ông Ngang nói như reo: “Có đấy! Có đấy! Bánh ướt, bánh nậm, chuối mật được chưa?”. Ông Đăng xắn tay áo, bước tới, hớn hở: “Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Hôm nay sao mà hên thế?”.
Mấy thằng bé tóc vàng hoe, áo quần nhem nhuốc tần ngần bên đường, ông Ngang thấy vậy gào lên: “Ê! Mấy cháu lại đây ông cho dưa”. Bọn trẻ ào tới, mặt đứa nào cũng tươi roi rói. Ông Ngang phát cho mỗi đứa một quả dưa hấu. Chúng nó cảm ơn rối rít rồi phóng đi, mang theo tiếng cười hả hê.
*
Làng Thượng mở hội cúng thu. Ông Đăng, ông Tửu và ông Ngang xúng xính trong những chiếc áo dài gấm thêu chữ Nho lóng lánh. Chưa bao giờ người ta thấy ba ông già vui sướng như thế. Những nếp nhăn trên trán các cụ dường như giãn ra, nét khắc khổ thường nhật biến đi đâu mất, nhường lại vẻ tươi tắn, ngập tràn hạnh phúc trong ánh mắt, nụ cười. Ông trưởng thôn giọng hùng hồn: “Thưa các cụ, thưa quý khách và toàn thể bà con làng Thượng! Trong ngày lễ hội hôm nay có ba người cao tuổi mà việc làm, cách sống của họ thật đáng để cho chúng ta trân trọng, noi theo. Đó là cụ Đăng, cụ Ngang và cụ Tửu. Ba người khai khẩn đất hoang, trồng rau quả và còn bảo vệ đình làng, góp phần phục hồi nét đẹp văn hóa truyền thống của làng. Hôm nay các cụ mang về dâng cho lễ hội những quả dưa hấu lấy thảo. Tôi xin trân trọng giới thiệu cụ Đăng đại diện cho các bạn già của mình phát biểu ý kiến”.
Tiếng vỗ tay nổi lên rào rào. Ông Đăng tóc râu bạc trắng, quắc thước như tiên ông từ từ đứng dậy, giọng nói sang sảng: “Được phép của ông trưởng thôn, tôi xin đại diện cho hai người bạn thân chân thành ghi nhận những tình cảm quý báu mà bà con làng Thượng đã dành cho chúng tôi. Tôi không biết nói gì hơn, xin hát tặng cho bà con một bài hát dân ca hò khoan đã có từ lâu đời ở làng ta, nhưng không còn mấy người hát, trừ lớp già chúng tôi”.
Tiếng vỗ tay lại nổi lên rào rào. Mấy anh chàng cán bộ văn hóa ngồi dỏng tai lên nghe coi bộ sướng lắm. Còn đám thanh niên thì cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn không hiểu mô tê gì hết. Chỉ có mấy thằng bé nhà ở ngã ba làng Thượng ôm mỗi đứa một bó hoa khư khư trên tay lấn lướt, rướn người lọt vào bên trong, ào lên tặng hoa cho ông Đăng. Mọi người lấy làm lạ khi nghe tiếng hò da diết, nội dung trao đổi tình ý, trách cứ của trai gái, lúc trầm, lúc bổng của ông Đăng, chứ còn bọn trẻ ở ngã ba làng Thượng thì thuộc làu làu, vì đêm nào chúng cũng kéo đến sân đình nghe mấy ông già hát rồi gõ nhịp hát theo.
Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG