Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch giằng co và rung lắc mạnh. Tuy vậy, VN - Index vẫn giữ được sắc xanh nhẹ, trong khi HNX - Index giảm điểm nhẹ.
Giao dịch chứng khoán tại sàn Maybank KIM ENG (TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN - Index tăng 2,13 điểm lên 935,52 điểm; HNX - Index giảm 1,92 điểm xuống 105,7 điểm.
Động lực tăng trưởng của thị trường là những mã cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng mức tăng không mạnh và thanh khoản của những mã cổ phiếu này cũng rất yếu. Dòng tiền lớn vẫn chưa thực sự quay lại khiến sự hồi phục của thị trường có vẻ “mong manh”.
Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn tăng trong tuần qua có thể kể đến như: NVL tăng 10,1%, HPG tăng 1,6%, BVH tăng 4,1%, VIC tăng 2,7%, MSN tăng 2,8%, GAS tăng 2,5%, FPT tăng 4,1%...
Thực tế cho thấy, thị trường muốn hồi phục mạnh thì rất cần sự đồng thuận của dòng tiền giải ngân vào những cổ phiếu lớn. Do vậy, có lẽ cần thêm thời gian để có thể đánh giá xu hướng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Nguyên nhân của việc dòng tiền tuần qua không sụt giảm nhiều, trong khi khối lượng giao dịch tăng mạnh so với tuần trước đó là do sự sôi động của nhóm cổ phiếu đầu cơ. Thanh khoản trên 2 sàn niêm yết vẫn đạt trên mức trung bình 20 tuần với trên 4.600 tỷ đồng giao dịch/phiên. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt hơn 180 triệu đơn vị/phiên, tăng 15,74% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 42,1 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 10%.
Các mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cổ phiếu đầu cơ tăng trưởng mạnh tuần qua có thể kể đến như: FLC tăng 12,6%, HAG tăng 14,4%, HNG tăng 11,5%...
Một nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến thị trường là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Với báo cáo kết quả kinh doanh quý II của nhóm ngành cổ phiếu ngân hàng rất khả quan, cùng với việc nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm mạnh trong thời gian khá dài trước đó, giới chuyên gia nhận định nhóm cổ phiếu này sẽ là nhân tố dẫn sóng thị trường. Tuy nhiên, thực tế nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần giao dịch qua lại là nhóm ngân hàng với VCB giảm 0,5%, CTG giảm 5,3%, BID giảm 2,4%, VPB giảm 10,5%, MBB giảm 1,3%, ACB giảm 3,3%, SHB giảm 1,2%...
Giảm mạnh về mặt điểm số, nhưng thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa được cải thiện, điều này cho thấy nhà đầu tư chưa thật sự đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Có lẽ nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa có nhiều cơ hội hồi phục mạnh trở lại. Một kịch bản tích cực có thể là nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ giao dịch đi ngang tích lũy trong tuần giao dịch tới.
Cùng với việc thị trường chứng khoán giảm mạnh cả về điểm số và thanh khoản thì nhóm ngành chứng khoán cũng có kết quả kinh doanh quý II không khả quan. Chính vì vậy, tuần qua trị giá của nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán giảm giá như: SSI giảm 4,3%, HCM giảm 4,4%, VCI giảm 4,9%, VND giảm 7,4%, SHS giảm 4,9%, MBS giảm 3,5%...
Với những gì đang diễn ra, khả năng nhóm cổ phiếu chứng khoán hồi phục mạnh trở lại trong tuần giao dịch tới là khó xảy ra.
Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối diện với không ít khó khăn. Giới phân tích dự báo do lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn về điều hành tỷ giá, lãi suất. Những biến động khó lường của giá dầu thế giới cũng gây áp lực tới điều hành lạm phát và giá cả; áp lực cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu do giảm thuế theo cam kết quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc...
Bên cạnh đó, việc khối ngoại đang có xu hướng bán ròng cổ phiếu cũng là những nhân tố không thuận lợi, ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư trong suốt thời gian qua và trong tuần giao dịch tới.
Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 423 tỷ đồng trên cả hai sàn. Cụ thể, khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 508,2 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 85,2 tỷ đồng.
Những thông tin bất lợi đối với thị trường đã diễn ra một thời gian dài, được nhiều chuyên gia chứng khoán cũng như những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm dự báo, những tác động của những thông tin này có lẽ không còn đủ mạnh để khiến thị trường giảm “sốc”.
Tuy nhiên, việc thị trường không có thêm thông tin hỗ trợ tích cực mới, trong khi những rủi ro vẫn “lơ lửng” khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra chán nản.
Chính vì vậy, việc thị trường tăng trưởng mạnh trong tuần tới có lẽ khó xảy ra, một kịch bản thị trường tiếp tục đi ngang tích lũy có thể là hợp lý hơn cả.
Dưới góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán, thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro và cần có những bứt phá về điểm số lẫn thanh khoản để xác lập xu hướng tăng bền vững.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS: "Đồ thị VN-Index cho thấy thị trường cơ sở đang đón nhận những tín hiệu tích cực củng cố nền tảng xu hướng trên vùng 900 điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện nền kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thì chưa thể loại bỏ khả năng những tin tức tiêu cực ảnh hưởng lớn đến thị trường sẽ bất ngờ tái diễn”.
FPTS khuyến nghị, chiến lược trong phiên đầu tuần tới vẫn là theo sát diễn biến chỉ số và chờ đợi thời điểm xuất hiện tín hiệu bứt phá cả về điểm số lẫn thanh khoản của VN - Index ra khỏi khung đi ngang hẹp hiện tại.
Công ty Chứng khoán Vietcombank –VCBS nhận định: “Xu hướng dao động tích lũy của chỉ số như hiện tại có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong một số tuần tới. Sau đó, chúng tôi kỳ vọng các cổ phiếu trên thị trường sẽ có sự phân hóa nhất định kể từ nay đến cuối năm dựa trên các yếu tố cơ bản và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp”.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC cho rằng: "Các chỉ số tiếp tục tăng nhẹ sau khi được hỗ trợ tốt trong phiên trước. Tạm thời, cả VN - Index và HNX - Index đều đang có xu hướng sideway (xu hướng của thị trường vừa tích lũy, vừa tăng hoặc có thể gọi là “tăng từ từ”) trong biên độ hẹp. Thanh khoản vẫn đang được duy trì ở mức cao, cho thấy dòng tiền đang có sự luân chuyển trên thị trường. Nhà đầu tư nên chờ tới khi các chỉ số phá hỗ trợ hay kháng cự để xác định xu hướng tiếp theo".
VĂN GIÁP (TTXVN)