Áp lực bán mạnh trên toàn thị trường đẩy thị trường tiếp đà giảm sâu, toàn sàn có hơn 700 mã chứng khoán chìm trong sắc đỏ.
Tâm lý tiêu cực nối tiếp từ đợt giảm điểm tuần trước khiến thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc khi mở cửa phiên 18.4. Chỉ số chính mở cửa ngay lập tức chìm trong sắc đỏ và càng lùi sâu hơn về cuối buổi sáng.
Tạm dừng trước giờ trưa, VN- Index bốc hơi thêm 22,94 điểm (-1,57%) về mốc 1.435,62 điểm. Trong khi đó chỉ số HNX-Index cũng lao dốc 10,99 điểm (-2,64%) về 405,72 điểm và UPCoM-Index mất 1,73% xuống 110,42 điểm.
Tâm lý bi quan bao phủ toàn thị trường, sàn chứng khoán ghi nhận đến 776 mã giảm giá (trong đó có 75 mã giảm sàn). Ngược lại chỉ có 221 mã tăng giá.
Chỉ số đại diện sàn HoSE tiếp tục lao dốc trong buổi sáng 18.4. Đồ thị: TradingView.
Cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động xấu lên chỉ số khi rổ VN30 lao dốc 17,63 điểm (-1,18%) với 16/30 mã giảm giá. Ảnh hưởng tiêu cực nhất là bộ đôi VHM của Vinhomes và VIC của Vingroup lần lượt giảm giá 3,7% và 2,5%. Tiếp đến là các mã ngân hàng cũng giảm sâu như BID, VPB, VCB, CTG...
Cổ phiếu đầu cơ vẫn trong trạng thái bán tháo mạnh mẽ. Toàn bộ 6 mã có thanh khoản thuộc FLC Group đều có thời điểm giảm hết biên độ, hiện vẫn có hơn 20 triệu cổ phiếu đang tranh bán sàn nhóm này.
Cổ phiếu họ Louis cũng lao dốc về giá sàn tại các mã TGG, BII, APG, SMT, LDP, AGM. Cổ phiếu họ Apec và DNP Corp cũng ngấp nghé tại giá sàn. Cổ phiếu họ Licogi hay Gelex cũng giảm phổ biến quanh mức hơn 5%.
Ngược lại bất chấp thị trường đỏ lửa, nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn tiếp đà bứt phá nhờ một số dự báo rất tích cực về kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong quý đầu năm.
Trong đó ANV của Thủy sản Nam Việt tăng trần lên 46.900 đồng, hay ACL và AAM cũng đang trong sắc tím. Một số mã khác như CMX tăng 3,8%, IDI tăng 5,6%.
Ngoài ra cổ phiếu dịch vụ công nghệ như FPTtăng 1,7%, CMG tăng 1,9% hay ELC bứt phá 5,8%. Cổ phiếu dệt may có STK tăng mạnh 4,6%. Cổ phiếu bán lẻ có DGW tăng trần...
Cổ phiếu đầu cơ lại bị bán tháo. Bảng giá: SSI.
Áp lực bán dâng cao đẩy thanh khoản thị trường tăng mạnh so với sáng phiên hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh tăng 26% đạt 16.073 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ với khoảng 70 tỷ đồng trên HoSE.
Trước phiên giao dịch, AseanSC dự báo VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.450-1.455 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.440-1.445 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Chứng khoán MB nhận thấy nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu riêng lẻ. Do vậy việc tham chiếu vào chỉ số lúc này có thể bị nhiễu, nên hạn chế lướt sóng, không bình quân giá xuống và hạ tỷ trọng margin về mức an toàn.
Chứng khoán Đông Á cho rằng xu hướng điều chỉnh của thị trường có thể chưa kết thúc, rủi ro một số tài khoản sử dụng đòn bẩy ở mức cao phải bán ra để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ.
Nhà đầu tư hạn chế sử dụng đòn bẩy, để dành sức mua chờ thị trường ổn định hơn. Việc giải ngân cho danh mục trung hạn có thể thực hiện với nhóm các cổ phiếu có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I và nhóm cổ phiếu phòng thủ.
Theo Zing