Nhiều năm nay, Lễ hội truyền thống đền Bia ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) được tổ chức vào mùng 1.4 âm lịch đã thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.
Đội Lễ chữ Mậu Tài tập luyện màn lễ chữ "Nam Dược Thánh nhân"
Năm 2019, Ban Tổ chức Lễ hội truyền thống đền Bia đã có sự chuẩn bị chu đáo với nhiều điểm mới, góp phần quảng bá các giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội và di tích quốc gia đặc biệt.
Những năm trước, Lễ hội truyền thống đền Bia do Ban Quản lý (BQL) di tích huyện Cẩm Giàng phối hợp với UBND xã Cẩm Văn tổ chức. Năm nay là lần đầu tiên lễ hội do UBND huyện tổ chức. “Sau khi cụm di tích thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh là đền Xưa - chùa Giám - đền Bia đón nhận danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt, BQL di tích huyện cùng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện đã sớm tham mưu với UBND huyện kế hoạch tổ chức Lễ hội đền Bia và được UBND huyện thông qua từ giữa tháng 4 với nhiều điểm mới”, ông Hà Quang Thành, Trưởng BQL di tích huyện Cẩm Giàng cho biết.
Theo đó, lễ hội sẽ được tổ chức trong 2 ngày 4 và 5.5 (ngày 30.3 và 1.4 âm lịch), trong đó ngày 5.5 diễn ra lễ khai hội, lễ chữ dâng Thánh “Nam Dược Thánh nhân”, phát tặng 1.000 gói thuốc nam cho đại biểu và nhân dân về dự hội. Buổi chiều, phần hội diễn ra nhiều chương trình văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian hấp dẫn như hát quan họ, giao lưu bóng chuyền, bịt mắt đập niêu đất, câu cá trong chai, kéo co…
Các công việc tổ chức lễ hội đã được UBND huyện giao cho từng ban, ngành, địa phương, bảo đảm lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, vui tươi và tiết kiệm, tạo ấn tượng tốt cho du khách thập phương. Các nội dung ở phần lễ, phần hội đều được chú trọng, đầu tư so với những năm trước.
Nhằm tạo không khí trang trọng cho lễ hội năm nay, phần lễ được thực hiện với nhiều thay đổi. Việc đọc văn tế, điểm chiêng trống khai hội sẽ do các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hải Dương thực hiện, các cụ cao niên ở thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn) chỉ thực hiện nhiệm vụ bồi tế thay vì đọc văn tế, điểm chiêng trống và bồi tế như mọi năm. Lễ chữ “Nam Dược Thánh nhân” đã được Đội lễ chữ Mậu Tài ở thôn Mậu Tài (xã Cẩm Điền) thực hiện từ năm 2018 tại đền Bia. Điểm mới là năm nay Đội lễ chữ Mậu Tài sẽ lần đầu tiên thực hiện màn rước chữ dâng Thánh. Đoàn rước gồm 2 người rước bát bửu đi trước, tiếp theo là 1 người rước trống chầu, sau đó là 4 người rước 4 chữ “Nam”, “Dược”, “Thánh”, “Nhân”, cuối cùng là 36 người thuộc Đội Lễ chữ Mậu Tài dần tiến vào sân khấu để thực hiện lễ chữ. Bà Lê Thị Hoà, Đội trưởng Đội lễ chữ Mậu Tài cho biết: “Năm nay, lễ chữ có thêm màn rước chữ trang trọng hơn so với năm ngoái. Vì vậy trước khi lễ hội diễn ra 1 tuần chúng tôi đã phải tích cực tập luyện để phối hợp với nhau cho nhuần nhuyễn”.
Ban Tổ chức Lễ hội truyền thống đền Bia đã chuẩn bị 1.000 gói thuốc nam và 1.000 chai nước đã được trì chú, xin lộc Thánh theo nghi thức truyền thống để phát tặng cho du khách, tăng 800-900 gói thuốc nam so với những năm trước. Số thuốc này đã được Hội Đông y huyện Cẩm Giàng phối hợp với một số đơn vị chuẩn bị, sẵn sàng phát tặng cho nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Không chỉ quan tâm đến các nội dung lễ hội, UBND huyện Cẩm Giàng cũng chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá. UBND huyện đã gửi công văn đề nghị lãnh đạo UBND các huyện, thành phố trong tỉnh chỉ đạo Đài Phát thanh cấp huyện tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh và Lễ hội truyền thống đền Bia. Đến nay, Ban Tổ chức Lễ hội đã hoàn thành việc chuẩn bị phòng làm việc, in thẻ làm việc cho phóng viên, nhà báo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đến đưa tin lễ hội.
VIỆT QUỲNH