Chính phủ vừa ban hành nghị định 112 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chưa xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đang điều trị bệnh hiểm nghèo.
Theo quy định mới của Chính phủ, sẽ có 4 trường hợp chưa xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức khi để xảy ra sai phạm.
Đó là cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hằng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.
Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận.
Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Nghị định 112 của Chính phủ cũng quy định những trường hợp công chức được miễn trách nhiệm kỷ luật. Đó là những cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm. Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 điều 9 Luật Cán bộ, công chức.
Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ.
Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời cũng sẽ được miễn xem xét kỷ luật.
Theo quy định của Chính phủ, sẽ có 4 hình thức kỷ luật với công chức, viên chức không giữ cương vị lãnh đạo là: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Và sẽ có 5 hình thức kỷ luật với công chức, viên chức là lãnh đạo là: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.
Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật Đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật Đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật Đảng. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật Đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.
Theo Tuổi trẻ