Trước đây, cha mẹ sống ở quê. Với số tiền lương hưu, một mảnh vườn nho nhỏ trồng rau, nuôi con gà, con lợn làm vui, hai ông bà có thể sống thoải mái mà không cần phải lo nghĩ gì.
Tinh thần cũng luôn thoải mái vui vẻ bởi tình làng, nghĩa xóm ấm áp, gắn bó. Nhưng rồi anh đã làm đảo lộn cuộc sống yên tĩnh của cha mẹ bằng lời đề nghị bố mẹ bán nhà để ra thành phố chung sống với con cái. Trong suy nghĩ anh muốn cha mẹ gần gũi con cháu, mình lại tiện bề chăm sóc, phụng dưỡng. Hơn nữa, nhà chỉ có mình anh là con trai, các chị em gái đã yên bề gia thất, gia đình lại thuộc hàng thứ trong dòng họ. Mỗi khi đi về, đường sá xa xôi, vất vả... Dường như hiểu được nỗi băn khoăn, suy tính của anh, sau nhiều đêm đắn đo, cân nhắc, cha đã đồng ý.
Nào ai ngờ, cha mẹ mới ra hôm trước, hôm sau em đã bắt anh phải làm nhà riêng cho ông bà ở. Anh rất phản đối trước yêu cầu của em. Em thì cố tình gây áp lực cho anh bằng mọi cách. Cha là người tinh tế, sâu sắc, hiểu biết, qua thái độ của em, cha biết anh đang rất khổ tâm. Ông đã đề nghị anh làm theo ý em. Trong thế tiến thoái lưỡng nan, anh đành phải chấp nhận làm một căn nhà nhỏ cách chúng ta ba cây số để cha mẹ ở. Những tưởng tuổi già được vui vầy, sum họp với con cháu, ai ngờ cuối cùng hai ông bà lại thui thủi ở với nhau nơi đất khách quê người. Không bao giờ nói ra nhưng anh đọc được trong ánh mắt cha một nỗi buồn vô hạn. Để cho vui tuổi già, cha mẹ mua một ít hàng tạp hoá lặt vặt về bán cho bà con lối xóm. Từ ngày ra thành phố, cha bị bệnh nhưng lúc nào ông cũng tỏ ra vui vẻ, lạc quan để con cháu không phải bận lòng. Những lúc đau ốm, cha cố gắng để không ai biết. Cha không muốn đến bệnh viện vì sợ làm phiền con cái, hơn nữa cha sợ để mẹ ở nhà một mình, bà sẽ buồn. Cứ thế bao nhiêu điều lo nghĩ, buồn phiền cha dồn nén lại trong lòng. Khi không thể chịu đựng được nữa, cũng là lúc cha ra đi. Trước khi nhắm mắt, cha chỉ kịp nói với anh: "Hãy lo cho mẹ giùm cha và hãy đưa cha trở về quê hương".
Cha mất rồi. Anh cảm nhận nỗi đau mất mát vô bờ. Nhưng điều làm anh ân hận, day dứt, dày vò nhất, đó là bệnh của cha không phải vô phương cứu chữa, chỉ cần có chế độ ăn uống, chăm sóc đúng cách sẽ đỡ, nhất là liều thuốc về tinh thần. Nhưng anh đã không cứu được cha. Anh là đứa con bất hiếu. Còn phần em, phận làm dâu, có bao giờ em ân hận? Hơn nửa năm bố mẹ anh ra thành phố, chưa bao giờ em quan tâm, động viên một câu khi ông bà buồn nhớ quê hương. Đừng nói đến chuyện em chăm sóc, lo lắng, nấu cho cha mẹ bát cháo. Lúc cha ốm đau, em không hề hay biết. Lúc nào em cũng viện lý do vì công việc. Em luôn quản lý anh về tiền bạc, vì em sợ anh sẽ cho bố mẹ, anh em. Ngay cả khi thực hiện ước nguyện cuối cùng của cha, em cũng ra sức ngăn cản vì sợ mệt nhọc, tốn kém. Những việc em làm, những điều em nói thật tồi tệ. Vợ chồng chung sống đã hơn hai mươi năm, anh không muốn phải đổ vỡ. Nhưng anh thật sự đau đớn, thất vọng. Anh biết mình đã sai lầm, ích kỷ khi quyết định đưa cha mẹ ra thành phố ở với con cháu. Khi nhận ra điều đó, anh càng thấy xót xa, thương cha mẹ vô cùng.
Anh cứ nghĩ sau khi cha mất đi, em sẽ thấy cắn dứt, ân hận và thay đổi cách cư xử của mình. Khi lo xong phần việc của cha, anh muốn bàn với em đưa mẹ cùng chung sống. Chưa nghe anh nói hết câu, em đã bực tức, cáu giận, cho anh là lắm chuyện. Anh thật sự không hiểu nổi em đang sống vì điều gì?
Giờ đây, anh chỉ còn lại một mẹ già, nỗi bận tâm lớn nhất của cha khi mất đi là mẹ phải sống một mình. Những gì chúng ta chưa trọn chữ hiếu với cha thì hãy bù đắp cho mẹ, để vong linh cha dưới chín suối cũng được yên lòng. Dù sao vẫn còn chưa muộn.
SƠN TRÀ