Là điểm tựa tâm linh cho người dân địa phương hàng trăm năm nay, chùa Ha Xá ở thôn Ha Xá, xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) đang được quan tâm tu bổ để nối tiếp vai trò lịch sử của mình.
Tòa tam bảo chùa Ha Xá sắp hoàn thiện
Chứng tích thời gian
Trước kia, thôn Ha Xá có 3 ngôi chùa nhưng qua thời gian, đến nay chỉ chùa Ha Xá tồn tại. Dựa trên hệ thống bia ký, câu đối, đại tự… còn lưu giữ được cho thấy ngôi chùa được khởi dựng vào thời hậu Lê và được trùng tu nhiều lần.
Ngôi chùa là nơi thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa, không chỉ thờ Đức Phật Thích Ca mà còn thờ nhiều Đức Phật khác trong quá khứ, hiện tại, tương lai… Với tư tưởng lấy lòng từ bi bác ái mà tu tập, thiền phái này cho rằng không chỉ người xuất gia tu hành mà cả những phật tử đều có thể đạt đến cảnh giới giải thoát, giác ngộ. Không chỉ là điểm tựa tâm linh, chùa Ha Xá còn là chứng tích lịch sử, gắn bó với nhiều thế hệ người dân nơi đây. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi chùa là địa điểm canh gác của bộ đội và du kích bảo vệ dân làng, nơi tập huấn dân công tự vệ, trường dạy học cấp 1 và nơi mở các lớp bình dân học vụ của địa phương. Bà Trần Thị Tuyên, 61 tuổi, thành viên Ban hộ tự chùa Ha Xá nhớ lại: “Ngày xưa đi học cấp 1 ở chùa, học sinh chúng tôi không chỉ nghe giảng mà còn phải chú ý nghe tiếng còi báo động máy bay địch đến, nghe thấy còi là phải nhanh chóng trú ẩn tại hầm cá nhân để tránh bom, những ký ức ấy với tôi không thể nào quên”.
Trải qua thăng trầm thời gian, chùa hiện còn lưu giữ được khá nhiều cổ vật quý giá bằng các chất liệu gỗ, gốm, đồng và đá. Đặc biệt, di tích còn lưu giữ được 1 quả chuông đồng tạo vào năm Kỷ Mùi (1859), 9 tấm bia đá trong đó có 1tấm bia được khắc vào năm Chính Hòa thứ 23 (1702) và 8 tấm bia thời Nguyễn… Đây là nguồn tư liệu lịch sử có niên đại chính xác, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn nói chung và lịch sử địa phương nói riêng. Ngôi chùa có đủ lễ tiết trong năm như lễ thượng nguyên, giỗ Mẫu, ngày Phật đản và lễ vào hè, lễ Vu Lan, kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần. Vào những ngày tuần tiết, chùa tổ chức lễ cúng Phật cầu cho nhân dân được no ấm, bình an. Với những giá trị văn hóa, lịch sử của mình, ngôi chùa được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2011.
Quan tâm trùng tu
Do sự tàn phá của thời gian, những năm gần đây ngôi chùa đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước đó tòa tam bảo có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 4 gian tiền đường kiểu đao dĩ và 5 gian hậu cung chất liệu bê tông, gỗ đan xen nhau. Tuy nhiên các cấu kiện bê tông đã bị bong rộp, bộ vì của tiền đường và hậu cung không ăn khớp nhau, cấu kiện gỗ bị mục mọt, không gian tiền đường nhỏ hẹp, gây khó khăn cho người dân những ngày khánh tiết. Nhà mẫu, tam quan, hàng rào được dựng vào thập niên 90 của thế kỷ trước, gần đây đã bị hư hỏng trầm trọng không còn khả năng sử dụng.
Trước tình trạng này, UBND xã Cẩm Đoài đã trình UBND huyện Cẩm Giàng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tu bổ di tích. Đến năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp phép tu bổ tam bảo; năm 2021, sở cấp phép tu bổ nhà mẫu, tam quan và hàng rào theo hướng tăng cường khả năng sử dụng, khai thác, phát huy giá trị di tích nhưng không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Kinh phí tu bổ di tích theo phê duyệt là 5,2 tỷ đồng do UBND xã làm chủ đầu tư, nguồn vốn một phần do Nhà nước cấp, còn lại do nhân dân đóng góp. Ngoài xây dựng các công trình chính, trong dịp này, ngôi chùa còn được xã hội hóa để đúc bổ sung tượng, mua sắm thêm hoành phi, câu đối… với kinh phí dự kiến hơn 1 tỷ đồng. Được khởi công từ tháng 8 âm lịch năm ngoái, đến nay tòa tam bảo đã cơ bản hoàn thành, nhà mẫu, tam quan và hàng rào sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới.
Dù chưa hoàn thiện, nhưng đến nay tòa tam bảo không chỉ giữ gìn được nét đẹp truyền thống mà còn to đẹp hơn xưa. Bước qua 9 bậc thang đá, khách đến tham quan và chiêm bái bước vào không gian cổ kính của nhà tiền đường và hậu cung thiết kế theo kiểu chữ đinh, hai mái hồi văn bít đốc, mái lợp ngói ta, bên dưới lót ngói chiếu được phục chế theo nguyên mẫu. Kết cấu bộ vì tiền đường và hậu cung cùng kiểu thượng tứ, hạ ngũ con chồng đấu sen truyền thống, được trang trí hoa văn lá lật kênh bong theo mẫu hoa văn thời Nguyễn.
Ông Nguyễn Xuân Lịch, thành viên Ban giám sát xây dựng chùa Ha Xá cho biết ngay khi chủ trương tu bổ chùa được phê duyệt, con em nhân dân địa phương đã nhiệt tình ủng hộ tiền của, công sức. Đến nay, nhân dân địa phương, con em xa quê đã ủng hộ tu bổ chùa hơn 4,8 tỷ đồng.
Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành, các cấp, sự chung sức, đồng lòng của người dân, con em quê hương, nay chùa Ha Xá có diện mạo khang trang hơn, tiếp tục là điểm tựa tâm linh cho người dân trong khu vực, phát huy giá trị di tích, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.
VIỆT QUỲNH