Chùa Giám ở xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) là một trong 3 di tích liên quan đến cuộc đời Thiền sư, đại danh y Tuệ Tĩnh.
Ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1974. Nơi đây nổi tiếng với các công trình kiến trúc cổ độc đáo, nhưng qua thời gian, công trình đang xuống cấp.
Nhiều hạng mục của chùa Giám bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, sửa chữa
Có về chùa Giám mới cảm nhận hết giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo của công trình. Bước qua cổng tam quan, du khách sẽ bắt gặp ngôi chùa với kiến trúc truyền thống kiểu chữ quốc dưới những hàng cau thẳng tắp.
Theo tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chùa Giám còn có tên là Nghiêm Quang, tương truyền được xây dựng từ thời Lý, xây dựng lại vào cuối thế kỷ 17 và trùng tu vào đầu thế kỷ 20 theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm: tam quan, tiền đường, thượng điện thờ Phật, hậu điện thờ tổ, toà cửu phẩm liên hoa, nhà tổ và hành lang, nghè Giám. Nhà tiền đường 7 gian, 2 chái, cột to hơn một người ôm. Các vì chạm hoa lá, các bức cốn và cửa võng chạm quần long tinh xảo. Nhà tháp cửu phẩm hình vuông 3 tầng mái, 12 chái. Bên trong là tòa cửu phẩm liên hoa 9 tầng hoa sen, cao trên 6 m, hình lục giác đều, giữa các tầng hoa sen là tượng Phật, mỗi mặt 3 pho, tổng cộng 145 pho. Toàn bộ kết cấu đặt trên một trụ gỗ lim lớn có thể xoay được. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc của chùa Giám mang đậm dấu ấn nghệ thuật kiến trúc cuối thế kỷ 17. Chùa còn giữ được hệ thống tượng La Hán, tượng phật, 2 chuông đồng lớn, 15 bia đá có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, đặc biệt là pho tượng Tuệ Tĩnh, người có công trong việc xây dựng chùa Nghiêm Quang và được tôn là thánh thuốc nam.
Chùa cũng chính là nơi thiền sư Tuệ Tĩnh từng hành nghề thuốc cứu người. Lễ hội hằng năm của chùa thuộc dạng lớn trong vùng với nhiều nghi thức độc đáo trong đó có lễ rước thuốc. Mỗi năm di tích đón hàng chục nghìn lượt khách trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế trong lĩnh vực y học đến tham quan, nghiên cứu.
Một xà gỗ ở thượng điện đã mục ruỗng
Hiện nay, chùa Giám đang đối mặt với sự hư hại, xuống cấp. Đứng ngoài sân nhìn lên mái ngói toà thượng điện có thể thấy rất nhiều mảng ngói đã bị sụt lõm. Dẫn chúng tôi vào thượng điện, sư thầy Thích Thanh Lương, trụ trì chùa Giám cho biết: Nguyên nhân chính là do một số xà gỗ đã bị mục, hỏng. Thượng điện có tới 7 xà gỗ đã bị mục, trong đó có một số xà đã bị rời, làm ngói bị rơi vỡ. Vì thế mỗi khi trời mưa, thượng điện lại bị dột. Mấy lần nhà chùa phải thuê thợ để lợp lại song vẫn không khắc phục được nên mỗi khi mưa, nhà chùa phải dùng bạt che tượng và các đồ thờ tự để tránh hư hại. Quan sát, chúng tôi thấy tất cả các xà này đều đã có hiện tượng mối mọt. Thân xà còn vệt của nước mưa đọng lại. Một xà gỗ ở mé trái thượng điện đã mục ruỗng.
Tòa cửu phẩm cũng đang có rất nhiều mộng, khớp nối đã há ra. Tòa cửu phẩm còn bị nghiêng. Sư thầy Thích Thanh Lương cho biết, trước kia tòa cửu phẩm xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ hệ thống tượng phật trên tòa cửu phẩm bị mất trộm. Năm 1997, chùa được Nhà nước đầu tư đảo lại ngói và tu sửa tòa cửu phẩm. Đến nay, công trình lại bị hư hỏng. Nhà chùa phải dán biển cảnh báo du khách không được quay tòa cửu phẩm để bảo vệ an toàn. Mặc dù đã có cảnh báo song dịp lễ hội vẫn rất đông người tự ý quay cửu phẩm. Đã có lần du khách quay cửu phẩm khiến các thanh gỗ rơi ra.
Hiện chùa Giám còn lưu giữ được 15 tấm văn bia cổ với nhiều các hình dáng, kích cỡ. Thế nhưng đến nay chùa cũng chưa có nhà bia cất giữ. Ngoài một số văn bia được gắn ở hai dãy hành lang chùa, chúng tôi còn thấy bốn, năm văn bia khác bị vứt lăn lóc ở góc vườn. Công trình nhà tổ chùa Giám là nơi thờ các vị tổ sư trụ trì chùa, Thiền sư, đại danh y Tuệ Tĩnh. Nhưng công trình hiện tại quá nhỏ hẹp, chật chội, chưa xứng với tầm vóc của đại danh y Tuệ Tĩnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Bá Đông, cán bộ văn hóa xã Cẩm Sơn cho biết: Cách đây hai năm sự xuống cấp của chùa Giám đã được địa phương báo cáo lên các cơ quan chức năng. Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đã có các đợt kiểm tra, rà soát, tuy nhiên đến nay công trình vẫn chưa được quan tâm tu bổ. Về phía xã, nguồn kinh phí hạn hẹp lại không đủ thẩm quyền nên đành bất lực. Mong muốn nhất của địa phương là được cấp trên đầu tư kinh phí cùng với ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa để tu bổ lại các hạng mục đã bị xuống cấp. Địa phương cũng mong được trên hỗ trợ xây dựng một nhà bia để cất giữ các văn bia cổ để giới thiệu cho du khách tham quan. Về lâu dài cần xây dựng một vườn thuốc nam, tổ chức các hoạt động y học cổ truyền để chùa Giám thực sự là nơi hội tụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề thuốc nam.
NGỌC HÙNG