Chùa Giám thuộc xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng), một công trình kiến trúc tiêu biểu thế kỷ XVII-XVIII là ngôi chùa chính thờ Tuệ Tĩnh. Chùa đượccấu trúc theo kiểu tiền Phật hậu Thánh, mé sau có gác Cửu phẩm ba tầngmái.


Tòa cửu phẩm liên hoa ở chùa Giám có hình lục giác 9 tầng hình hoa senvà 144 pho tượng nằm ở trên cánh hoa sen, nặng 4 tấn. Khi có lực tácđộng, tòa cửu phẩm xoay tròn. Hiện rất ít nơi còn giữ được kiến trúcđộc đáo này. Ảnh: PV
Chùa Giám thuộc xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng). Trước kia, xã này ở vị trí phía đông huyện, trên phần đất bãi ngoài đê sông Thái Bình, được di chuyển về địa bàn hiện nay từ năm 1973 để tránh lũ lụt hằng năm. Xưa, chùa Giám có tên gọi là chùa Hải Triều. Theo truyền thuyết và tài liệu lịch sử địa phương, vào khoảng năm 1336, nhà sư chùa Hải Triều đã đón cậu bé Nguyễn Bá Tĩnh, 6 tuổi, quê ở làng Nghĩa Phú (xã Cẩm Vũ) về nuôi dạy và cho ăn học. Tĩnh thông minh, hiếu học, năm 22 tuổi đậu Thái học sinh, thời vua Thiệu Phong. Không ra làm quan, Nguyễn Bá Tĩnh dốc lòng hành đạo, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa, nghiên cứu y dược học dân tộc để chữa bệnh cứu người. Trong 30 năm nghiên cứu y học, Tuệ Tĩnh đã góp phần xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông đã viết hai tác phẩm y dược lớn và giá trị là bộ Nam dược thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư. Năm 55 tuổi, Tuệ Tĩnh phải sung vào đoàn sứ bộ đi phương Bắc. Ở nước ngoài, ông chữa thành công nhiều căn bệnh hiểm nghèo, được phong là Đại y tôn thiền sư. Ông mất tại Giang Nam (Trung Quốc). Ông được coi là vị thánh thuốc Nam, người xây dựng nền móng cho y học dân tộc Việt Nam.Cùng với đền Xưa, đền Bia, chùa Giám là ngôi chùa chính thờ Tuệ Tĩnh. Chùa có tên tự là Nghiêm Quang, một công trình kiến trúc tiêu biểu thế kỷ XVII-XVIII. Chùa được cấu trúc theo kiểu tiền Phật hậu Thánh, mé sau có gác Cửu phẩm ba tầng mái. Chùa có nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị như tượng Phật, tượng Tuệ Tĩnh, tấm bia "Nghiêm Quang thiền tự danh lam cổ tích hưng công cấu tác thánh bảo ký", trong đó ghi rõ người có công đầu tiên hưng công là Tuệ Tĩnh thiền sư. Công trình đặc sắc ở đây là cây cửu phẩm liên hoa. Đó là khối hộp gỗ sáu cạnh đồ sộ, chạm chín tầng cánh sen với nhiều họa tiết trang trí trên các trụ và tầng nền.Mé phải chùa là nghè Giám cũng là một công trình kiến trúc có giá trị lớn về mặt nghệ thuật. Ở đây, bộ cánh cửa chính của hậu cung chạm rồng chầu mặt nguyệt. Vây rồng là những ngọn mây lửa hừng hực như một rừng gươm mác. Một số bức chạm mô tả cảnh sinh hoạt dân gian như điều voi, đả hổ, đấu vật, phi ngựa... Đảng bộ và nhân dân xã Cẩm Sơn luôn luôn nêu cao ý thức bảo vệ, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị đặc biệt của chùa Giám. Việc di chuyển ngôi chùa từ vị trí ngoài đê sông Thái Bình về địa điểm hiện tại cách xa 7 km hoàn toàn bằng phương tiện thô sơ trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, là một thành tích nổi bật của địa phương. Hằng năm, trong các dịp lễ tết và hội mùa xuân, chùa Giám tổ chức lễ hội, thu hút hàng nghìn du khách thập phương. Thừa kế vốn quý y học do Tuệ Tĩnh sáng lập, nghè Giám là nơi đặt phòng chẩn trị, có các lương y khám bệnh, cắt thuốc, có nhiều bệnh nhân trong tỉnh và tỉnh ngoài tìm đến. Từ chùa Giám đi về phía đông là đền Xưa, đền Bia cùng thờ Tuệ Tĩnh, xuống phía đông nam là Văn miếu Mao Điền, không xa chung quanh là các làng nghề cổ truyền nổi tiếng như chạm khắc Đông Giao, rượu Phú Lộc... Do đó, chùa Giám là một điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế, trên hành trình tham quan và khám phá các danh lam thắng cảnh tỉnh Hải Dương.

 NGUYỄN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chùa Giám