Chưa giải ngân hơn 113,5 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng, trách nhiệm thuộc về ai?

22/10/2022 15:00

Sáng 22.10, các đại biểu Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ đầu tiên trong chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022...

Đại biểu Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ tán thành cao với báo cáo của Chính phủ

Sáng 22.10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành phiên thảo luận tổ đầu tiên trong chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023. 

Tổ ĐBQH tỉnh Hải Dương thảo luận với tổ đại biểu các đoàn: Lai Châu, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.

Bức tranh 9 tháng qua là tín hiệu đáng mừng

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương hoàn toàn đồng tình với đánh giá của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách về Báo cáo kinh tế xã hội 2022 và tham gia 5 vấn đề về thu, chi ngân sách nhà nước.

"Bức tranh trong báo cáo của Chính phủ với 9 tháng qua đạt 94% thu ngân sách là thước đo cho sự phát triển của nền kinh tế, một tín hiệu đáng mừng. Sau dịch bệnh và sự ổn định nền kinh tế như hiện nay là một sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ cũng như các cấp, ngành có liên quan", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhận định.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm khi toàn bộ gói chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hơn 113,5 nghìn tỷ đồng vẫn chưa được giải ngân

Tuy nhiên, qua nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu cho rằng cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa ổn định. Đại biểu cho biết qua tiếp xúc cử tri tại tỉnh Hải Dương, nguồn vốn để tiếp tục thực hiện cân đối được ngân sách tại địa phương và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gặp khó. Đại biểu đề nghị làm rõ việc đánh giá cơ cấu thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước tại địa phương. Nếu đánh giá chỉ tiêu phát triển các địa phương thông qua nguồn thu từ đất sẽ tạo áp lực rất lớn cho địa phương trong quá trình cân đối ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Đồng thời xem xét tỷ lệ thu từ đất và từ thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đánh giá năng lực của địa phương.

Bày tỏ băn khoăn về việc chi ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết đến hết tháng 8.2022, toàn bộ gói chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là hơn 113,5 nghìn tỷ đồng chưa giải ngân được mà trong báo cáo chưa làm rõ. Đại biểu đề nghị đánh giá rõ hơn, làm rõ nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai?

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm nhất đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga quan tâm nhất đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Đại biểu ghi nhận sự nỗ lực vào cuộc của Chính phủ, đặc biệt trong việc kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai ngay chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, có rất nhiều chính sách triển khai rất chậm mà trong Báo cáo của Chính phủ cũng chưa nêu rõ điều này. Nhiều cử tri và những đối tượng được thụ hưởng phản ánh nhiều chính sách chưa phù hợp khiến đối tượng được thụ hưởng không mặn mà, nằm trong diện được hỗ trợ nhưng không làm hồ sơ vì phiền phức, rắc rối. Đại biểu đề nghị trước khi ban hành chính sách cần đánh giá tác động và kiểm tra, rà soát kỹ.

Thông tin thêm tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đánh giá cao quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, ghi nhận Quốc hội đã có nhiều sáng kiến để đồng hành cùng với Chính phủ, chủ động cùng với Chính phủ triển khai các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế.


Cần có chính sách đặc thù với chuyên gia dạy nghề

Góp ý về lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng năm học 2022-2023 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2022 đạt 67 %, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27% (đạt chỉ tiêu đề ra). Trước những tác động không nhỏ về dịch bệnh và phải tập trung nỗ lực thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội thì đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, đặc biệt ở bậc đào tạo đại học và đào tạo nghề.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đề nghị cần có chính sách đặc thù với chuyên gia dạy nghề

Để có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa để xuất cần quan tâm thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên để thu hút người tốt nghiệp đại học, chuyên gia giỏi làm giáo viên dạy nghề. Hiện nay, việc cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút được chuyên gia về cơ sở đào tạo nghề nghiệp rất khó khăn do chính sách đãi ngộ chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị sớm giải quyết những bất cập trong quy định về chuẩn nhà giáo dạy nghề, nhất là chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp. Lấy ví dụ về yêu cầu đối với nhà giáo đào tạo trình độ cao đẳng thì phải có trình độ đại học thì rất hợp lý nhưng đối với một số lĩnh vực đặc thù thì rất khó thực hiện. Đại biểu đề nghị cho phép áp dụng chính sách đặc thù với giáo viên là các chuyên gia thực hành lành nghề và điều chỉnh các tiêu chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp đối với lĩnh vực đặc biệt.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận tổ

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Chưa giải ngân hơn 113,5 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng, trách nhiệm thuộc về ai?