Chùa Cửu Phẩm, công trình kiến trúc Phật giáo nghìn năm

16/07/2010 21:08

Chùa Cửu Phẩm hay chùa Đồng Ngọ, thuộc thôn Cập Nhất, xã TiềnTiến (Thanh Hà), nơi từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng ThiềnTrúc lâm Yên Tử và là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất ở tỉnh ta hiện nay.


 Tòa Tam bảo mở đầu công trình kiến trúc chùa Cửu Phẩm
Căn cứ vào văn bia còn ghi lại, chùa Cửu Phẩm được xây dựng vào thời nhà Đinh, theo sắc chỉ vua ban năm 971. Trải qua thời Tiền Lê, Lý, Trần, đến thế kỷ thế kỷ 17, sự tích của chùa gắn liền với tên tuổi  hòa thượng Chân Nguyên.

Hòa thượng Chân Nguyên là một ngôi sao sáng trong làng Phật giáo nước ta. Ông  họ Nguyễn, húy là Nghiêm, quê ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà). Thuở thiếu thời, ông học hành tinh thông, hạ bút là thành văn. Đến thời hậu Lê, ông thi đỗ tiến sĩ, sau đó đi theo dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử xuất gia. Thời gian trụ trì ở chùa Cửu Phẩm, hòa thượng Chân Nguyên đã cho tu bổ và xây dựng mới nhiều hạng mục với quy mô lớn, khang trang, gồm: Nhà phẩm và tháp cửu phẩm liên hoa, tam quan, chính điện, gác chuông, nhà thờ tổ, nhà tăng... Và nơi đây đã phát triển trở thành là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc lâm Yên Tử của nước ta.

Ngày 28-10, năm Bính Ngọ 1727, hòa thượng Chân Nguyên viên tịch. Các đệ tử và nhân dân đã xây dựng bảo tháp trong chùa để tôn thờ ông. Ngày 28-10 âm lịch hàng năm trở thành ngày giỗ Tổ của chùa.


Tháp cửu phẩm liên hoa
Trong các hạng mục hòa thượng Chân Nguyên cho xây dựng có nhà phẩm và tháp cửu phẩm liên hoa với lối kiến trúc độc đáo. Hai công trình này đã được tu sửa nhiều lần dưới thời Nguyễn và những năm 1999-2000. Nhà phẩm có 8 mái, chủ yếu làm từ gỗ. Kết cấu các vì kèo theo kiểu con chồng đấu sen, được trạm rồng, hoa lá cách điệu. 4 cột tứ trụ bằng gỗ lim, đường kính 45cm; 12 cột quân cao 2,65 m. Tháp cửu phẩm liên hoa  gồm 9 tầng, có hệ thống 6 cột dọc, cao 5,7 m, kết cấu theo kiểu "thượng thu hạ thách", tầng 1 dài 1,5 m đến tầng 9 chỉ còn 0,3m. Trên mỗi tầng đài sen có 90 pho tượng Phật nhỏ.

Đến giữa thế kỷ 20, một số hạng mục của chùa bị chiến tranh tàn phá. Sau ngày đất nước thống nhất, được sự quan tâm Nhà nước, một số ban ngành xã hội và lòng hảo tâm của các tăng ni Phật tử, sự đóng góp của nhân dân địa phương chùa lại được tu bổ lớn, tổng kinh phí khoảng hơn 700 triệu đồng. Hiện quần thể kiến trúc chùa gồm: Tam quan, chùa chính, tiền đường, thượng điện, nhà phẩm, nhà tổ, nhà tăng, tăng phòng, nhà khách và nhà thờ mẫu...

Tam quan chùa được xây dựng mới vào năm 1995, có 3 tầng, tầng trên treo chuông cổ có niên đại năm 1813. Chùa chính có kiến trúc theo kiểu chữ đinh, bao gồm 5 gian, 2 dĩ. Tòa tiền đường có kích thước 22mx12m, gồm 6 vì kèo, kết cấu kiểu "con chồng giá chiêng" bằng gỗ. Tòa thượng điện gồm 6 gian, với 5 vì kèo. Nhà thờ tổ gồm 1 gian, 2 dĩ. Phía bắc nhà tổ là 9 gian tăng phòng, kích thước 24,65mx 6,2m. Phía nam nhà tổ là nhà thờ mẫu được xây dựng năm 1998. Tổng diện tích chùa hiện nay khoảng 8.384 m2.

Trong chùa có nhiều tượng phật, đồ thờ cổ. Đặc biệt, chùa còn giữ được nhiều cây cổ thụ có niên đại từ thế kỷ 13 như 2 cây đại trước thượng điện và 2 cây xoài từ thế kỷ 16 trước cửa tam quan. Ngoài ra, bộ sưu tập đồ đá là những công cụ sản xuất của người Việt xưa như: Quả trục lúa, cối giã gạo và các công cụ bằng đá khác cũng còn hàng trăm chiếc.

Với bề dày lịch sử hơn 1000 năm, chùa Cửu Phẩm đã vinh dự được xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia tháng 3-1974. Hiện tại, chùa Cửu phẩm không chỉ là trung tâm Phật giáo của địa phương mà còn là địa chỉ  tham quan, du lịch của đông đảo khách thập phương, trong đó có không ít du khách đến từ Trung Quốc, Ấn Độ...

THÚY HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chùa Cửu Phẩm, công trình kiến trúc Phật giáo nghìn năm