Bà Vũ Ngọc Ánh, chủ nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) quê xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện.
Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc
Huyện Mèo Vạc lên tiếng về thông tin hậu thuẫn xây nhà nghỉ Panorama Chánh văn phòng UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết địa phương muốn Mã Pì Lèng là điểm nhấn du lịch. Việc hậu thuẫn xây Panorama có thể chỉ là phát ngôn từ phía chủ công trình.
Lãnh đạo huyện thừa nhận có khuyến khích xây một điểm dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng để du khách ngắm hẻm Tu Sản nhưng không biết chủ đầu tư xây nhà nghỉ 7 tầng.
Sau khi bà Vũ Ngọc Ánh, chủ nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama nói việc xây dựng công trình do chính quyền huyện Mèo Vạc động viên, hậu thuẫn, ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc lên tiếng phủ nhận.
Ông Cường cho biết trước khi có tòa nhà Mã Pì Lèng Panorama, huyện có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng một trạm dừng nghỉ tại vị trí này. Chủ trương bắt nguồn từ việc các chuyên gia tư vấn của UNESCO đến khảo sát để chuẩn bị tái thẩm định Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.
Huyện 'bật đèn xanh' nhưng không giám sát kỹ
Theo Chủ tịch huyện Mèo Vạc, UNESCO đề nghị tại vị trí hiện là nhà nghỉ Panorama cần xây dựng một điểm dừng chân để ngắm hẻm vực Tu Sản.
"Tuy nhiên khu vực này lại đúng vào mảnh đất thuộc sở hữu của gia đình bà Ánh, họ đã mua từ rất lâu. Gia đình bà Ánh cũng mong muốn làm một điểm dừng chân nên đã tiến hành xây dựng", ông Cường cho biết.
Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, vì địa phương không có tiền nên có nhà đầu tư làm được thì rất khuyến khích. Chủ trương của huyện cũng mong muốn các tổ chức, cá nhân đến đầu tư để phát triển du lịch. Nhưng quan điểm là việc đầu tư phải trên cơ sở quy định pháp luật.
"Chúng tôi cũng yêu cầu bà Ánh phải xây công trình thân thiện với môi trường, phù hợp cảnh quan. Tuy nhiên, khi bà này thiết kế công trình thì chúng tôi không được xem xét các thủ tục, hồ sơ, chủ yếu là bà ấy tự ý", ông Cường nói.
Theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc, khi chính quyền phát hiện ra thì dự án đang thi công dở các tầng âm. Huyện đã giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng lập biên bản, yêu cầu bà Ánh phải hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục. Tuy nhiên, bà Ánh không chấp hành.
Ông Cường cho biết nếu công trình được giữ lại, huyện sẽ yêu cầu bà Ánh cải tạo lại công trình theo hướng hòa nhập hơn với cảnh quan môi trường xung quanh.
Không phạt cho tồn tại
Tổ hợp nhà nghỉ, quán cà phê Mã Pì Lèng Panorama là công trình đồ sộ nhất được xây trên phần ta luy âm của đèo Mã Pì Lèng
Chiều 7.10, đoàn công tác do ông Hoàng A Chinh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang dẫn đầu đã đến thị sát tòa nhà 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng.
Ông Chinh khẳng định công trình được xây dựng khi chưa có đủ thủ tục pháp lý. Địa phương sẽ không giải quyết theo hướng "phạt cho tồn tại" mà sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần công trình.
Theo ông Chinh, công trình này không nằm trong khu vực cấp 1 và cấp 2 của di tích quốc gia Mã Pì Lèng. Chiếu theo luật thì việc xây dựng ở đây không cần xin giấy phép vì đây là vùng nông thôn chưa có quy hoạch chi tiết.
"Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa... thuộc công trình được miễn giấy phép xây dựng".
Theo điểm k, khoản 2, điều 89, Luật Xây dựng 2014.
"Tuy nhiên, với công trình phục vụ đông người như Mã Pì Lèng Panorama thì phải đảm bảo thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản như thẩm tra thiết kế, thẩm định sự phù hợp, an toàn...", lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang phân tích.
Ông Chinh cũng lưu ý Luật Di sản quy định việc xây dựng tại vùng nằm ngoài khu vực 2 của di tích mà gây ảnh hưởng đến cảnh quan thì phải xin ý kiến các cơ quan chức năng.
Như vậy, công trình Mã Pì Lèng Panorama đã mọc lên khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý để đầu tư xây dựng, chưa có sự tham mưu của các ban ngành Văn hóa.
"Để xảy ra việc này, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền huyện Mèo Vạc", ông Chinh nói.
Tuy nhiên, theo vị Giám đốc Sở, với công trình chưa đủ thủ tục thì sẽ bị đình chỉ, không cho xây dựng tiếp nhưng với công trình này đã hoàn thành thì phải xem xét hướng xử lý. Có thể phải tháo dỡ hoặc xem xét từng phần một, khu vực nào không ảnh hưởng lớn đến vấn đề di sản.
"Việc xử lý phải thấu tình đạt lý, xem xét đến cả nhu cầu tham quan, nghỉ chân của khách du lịch", ông nói.
Trong ngày 8.10, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang sẽ họp với các sở, ngành liên quan để đưa ra kết luận, tham mưu tỉnh tìm hướng giải quyết.
Nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama gồm 7 tầng với kết cấu bê tông cốt thép, được xây trên đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu 2019. Công trình có 5 ban công lớn nhìn thẳng xuống sông Nho Quế và hẻm Tu Sản.
Theo Sở VHTT&DL Hà Giang, công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư.
Ngày 5.10, bà Vũ Ngọc Ánh, chủ nhân Mã Pì Lèng Panorama thừa nhận công trình thiếu giấy phép xây dựng. Tuy nhiên bà này khẳng định việc xây dựng có sự ủng hộ, hậu thuẫn của chính quyền huyện Mèo Vạc.
Theo Zing