Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

21/06/2018 15:07

Phong cách, đạo đức, ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh đã trở thành mẫu mực cho báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay và cả mai sau.


Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam

Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, những người làm báo, những người đọc báo, và có lẽ tất cả những ai có liên quan đến báo chí, quan tâm đến báo chí cách mạng Việt Nam đều nhớ đến một cái tên, một con người: Hồ Chí Minh - Người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ tiên phong giương cao ngọn cờ chiến đấu của báo chí trên các chặng đường cách mạng.

Sáng lập tờ báo cách mạng đầu tiên

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sớm nhận ra báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Bởi thế, Người đã sáng lập ra tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam - báo Thanh niên. Ngày 21.6.1925, Người cho xuất bản số đầu tiên của báo Thanh niên. 

Sự nghiệp báo chí đồng hành và không tách rời sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tất cả đều nhằm mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Những bài viết của Bác không đơn giản chỉ là viết tuyên truyền mà là những bài viết nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về những vấn đề to lớn của đất nước. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những bài viết của Bác như một lời kêu gọi, có tác dụng vô cùng to lớn, trở thành sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, cổ vũ toàn dân tham gia kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. 

Bài báo đầu tiên Người viết năm 1919 là bài Vấn đề dân bản xứ đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp, bài báo cuối cùng là bài viết về thiếu nhi vào ngày 1.6.1969. Suốt 79 năm đời mình, Người đã có 50 năm liên tục viết báo, Người đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với gần 200 bút danh. 

Không chỉ là người đặt nền móng và sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên, Người còn đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam. Người cũng từng chỉ đạo mở lớp đào tạo hơn 300 cán bộ báo chí... 

Người để lại nhiều quan điểm và những bài học lớn 

50 năm làm báo cách mạng, Bác đã để lại nhiều quan điểm và những bài học lớn. 

Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác đã nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác cũng chỉ rõ, nhà báo phải có dũng khí, không bẻ cong ngòi bút, muốn vậy phải có “lập trường chính trị vững chắc”, “chính trị phải làm đúng”... 

Bác yêu cầu: Nhà báo cần nêu cao trách nhiệm trong hoạt động tác nghiệp của mình; phải gần gũi với quần chúng, học hỏi nhân dân; phải phản ánh trung thực hiện thực xã hội, và luôn phải tâm niệm: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Bên cạnh đó cần sâu sát thực tiễn, “cứ ngồi trong phòng giấy không thể viết thiết thực”. 

Đọc lại những bài nói, bài viết cuả Bác người ta dễ nhận ra sự trong sáng về văn phong, sự giản dị trong cách trình bày để nội dung dù khó cũng trở nên dễ hiểu với người nghe, người đọc. Nhiều quan điểm, nhiều nhiệm vụ cách mạng đã được Bác truyền tải đến với mọi người qua những bài báo bằng những ngôn từ quen thuộc - dù đó là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hàng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại - không tỏ ra cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Có thể chỉ ra những đặc trưng văn phong báo chí của Bác là: chân thực, ngắn gọn, trong sáng, giản dị và sinh động. 

Thực tiễn hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, Người vừa là nhà sáng lập, là người đặt nền móng cho báo chí cách mạng nước nhà, đồng thời là một nhà báo xuất sắc của thế kỷ XX. Phong cách, đạo đức, ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh đã trở thành mẫu mực cho báo chí cách mạng Việt Nam hôm nay và cả mai sau.

PHƯƠNG PHƯƠNG

(0) Bình luận
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam