Sở Công thương vừa đề nghị UBND cấp huyện và yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh phối hợp xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 265 cửa hàng bán lẻ xăng dầu
Các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp cơ sở, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước ngày 31.12. Trường hợp cơ sở kinh doanh xăng dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ (sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 m3) thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện; các trường hợp còn lại thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu sau khi được phê duyệt phải gửi về Sở Công thương để phối hợp quản lý, tổ chức hậu kiểm theo yêu cầu.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện để trình UBND tỉnh phê duyệt trước 31.12; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh xăng dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên địa bàn xây dựng kế hoạch và trình UBND cấp huyện phê duyệt.
Ngày 24.3, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, yêu cầu các cơ sở, dự án có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả sau khi ban hành. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu là dự kiến các nguy cơ, sự cố có khả năng xảy ra cùng với các phương án ứng phó nhằm bảo đảm các nguồn lực kịp thời khi sự cố tràn dầu xảy ra.
Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 265 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc 180 doanh nghiệp (chi nhánh của doanh nghiệp) và các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xăng dầu.
PV