Nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh nên ngày càng có nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là nữ chú trọng vấn đề này.
Chị Phạm Thị Thanh Huế, Giám đốc Công ty TNHH Sức khỏe hoàn hảo Thanh Huế (Tứ Kỳ) nghiên cứu chiết xuất tinh dầu từ cây, quả tự nhiên
Chủ động
Khi còn công tác tại một bệnh viện, chị Phạm Thị Thanh Huế, Giám đốc Công ty TNHH Sức khỏe hoàn hảo Thanh Huế ở thị trấn Tứ Kỳ đã ấp ủ ước mơ sản xuất ra sản phẩm dùng trong chăm sóc sức khỏe, làm đẹp từ các nguyên liệu tự nhiên. Năm 2018, chị nghỉ công tác, ra nước ngoài và đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, chị đã nghiên cứu, chiết xuất nhiều loại tinh dầu từ cây, quả tự nhiên. Khi làm được sản phẩm này, ngoài mang đi kiểm nghiệm các thành phần, đăng ký chất lượng, chị Huế đã đăng ký sở hữu trí tuệ.
"Lúc đó, tôi không biết phải làm ở đâu nên đã đến Sở Y tế hỏi và được giới thiệu sang Sở Khoa học và Công nghệ. Tôi được cán bộ ở đây tư vấn, hỗ trợ các thủ tục nhanh, gọn", chị Huế cho biết.
Đến nay, chị Huế đã sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp cho các loại tinh dầu bưởi, trầu không, sả, chanh, quế, ngũ sắc, tía tô, bơ, ngũ cốc. Khi sản phẩm được bảo hộ, chị không còn lo lắng hàng bị làm nhái, làm giả, đồng thời khẳng định được chất lượng sản phẩm do mình làm ra.
Trước đây, chị Nguyễn Thị Xuân ở phố Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) kinh doanh bánh gai dưới cái tên Bà Tới, là nhãn hiệu chung của gia đình. Với mong muốn xây dựng thương hiệu riêng nên đầu năm 2021, vợ chồng chị Xuân làm thủ tục bảo hộ cho sản phẩm bánh gai với tên Giang Tới. "Nhãn hiệu bánh gai Giang Tới đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, điểm dừng chân du lịch. Chúng tôi đang tiến tới xác lập mã vạch và xây dựng thành sản phẩm OCOP", chị Xuân nói.
So với trước đây, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa đã được các chủ doanh nghiệp nữ chú trọng. Ngoài 2 đơn vị trên còn có Cơ sở sản xuất bánh kẹo Vân Giang, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hưng Long (TP Hải Dương), Công ty TNHH một thành viên Rau củ quả an toàn Thanh Hà (Thanh Hà)... do nữ làm chủ đã quan tâm đăng ký sở hữu trí tuệ, từ đó góp phần khẳng định giá trị hàng hóa trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Xuân ở TP Hải Dương đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa là bánh gai Giang Tới
Dễ thực hiện
Những năm gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ có nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là nữ doanh nhân nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ. Các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường tuyên truyền hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới bằng việc treo pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức lớp tập huấn về hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu; kỹ năng marketing và xây dựng thương hiệu nông sản, quản lý nhà nước về quảng cáo, xây dựng sản phẩm OCOP. Thường xuyên tư vấn cho các chủ thể có nhu cầu đăng ký sở hữu công nghiệp đối với logo, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích. Đến hết tháng 11.2022, toàn tỉnh có 388 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được chú trọng thực hiện. Năm 2022, các đơn vị chức năng đã xử lý hành chính 37 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: "Ngoài việc đến Sở Khoa học và Công nghệ để được tư vấn, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì người dân nói chung, các chị em là chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nói riêng có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua các đơn vị trung gian lên Cục Sở hữu trí tuệ. Việc làm này cần thiết để tránh hàng bị làm giả, làm nhái, khi xảy ra các tranh chấp pháp lý thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào thời gian xác lập quyền sở hữu trí tuệ để đưa ra quyết định".
Xác lập quyền sở hữu trí tuệ là quan trọng, vì thế các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ nói riêng và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nói chung để sản phẩm do họ làm ra được bảo hộ.
Ngày 26.4 hằng năm được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chọn làm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới. Năm 2023, WIPO đã công bố chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là: “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” với thông điệp đề cao sức sáng tạo của phụ nữ và khuyến khích phụ nữ tìm hiểu, sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ. Đây là dịp để tôn vinh những người phụ nữ tài năng trên toàn thế giới, hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ và giải phóng sự khéo léo, sáng tạo của phụ nữ, trẻ em gái. |
THANH HÀ