Khi được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường, sản phẩm OCOP Hải Dương không chỉ được nâng tầm giá trị mà còn tránh bị làm nhái, làm giả.
Là doanh nghiệp sản xuất bánh đậu xanh lâu đời ở Hải Dương, Công ty CP Hoàng Giang (TP Hải Dương) hiện có 10 loại bánh đậu xanh, trong đó 9 loại được công nhận OCOP 4 sao, 1 loại đang đề nghị công nhận 5 sao. Ngoài tiêu thụ trong nước, doanh nghiệp còn xuất sang nước ngoài. Ông Đào Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết trước tình trạng sản phẩm của công ty bị làm nhái, làm giả và để khẳng định chất lượng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp chú trọng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa. Ngày 23/3/2020, 9 sản phẩm bánh đậu xanh được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước và đến ngày 16/12/2020 được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản.
Để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường khắt khe như Nhật Bản, doanh nghiệp phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm… “Được Nhật Bản bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 9 sản phẩm bánh đậu xanh là thành công lớn của doanh nghiệp. Khi được Nhật bảo hộ, chúng tôi mang sản phẩm đi chào hàng ở Mỹ, Canada, Hàn Quốc… đều được chấp nhận dễ dàng. Bằng sở hữu trí tuệ giống như tấm vé thông hành để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi hơn trên thị trường”, ông Chuyện nói.
Trước đây, sản phẩm hương của Cơ sở sản xuất hương Trần Đức Hùng ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) bị một số cơ sở trong và ngoài tỉnh làm nhái, làm giả. Anh Hùng đã đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm này vào tháng 4/2019. Sản phẩm đã khẳng định được vị thế khi tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Anh Hùng cho biết: “Rất nhiều khách hàng yên tâm khi mua hương của cơ sở sản xuất vì đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”.
Ngày 23/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo đó, một trong những điều kiện bắt buộc đối với sản phẩm OCOP đề nghị xét, công nhận 4 sao trở lên là phải có nhãn hiệu được đăng ký, sản phẩm gắn với cộng đồng địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và dấu hiệu bảo hộ nguồn gốc địa lý phải được sử dụng trên thực tế; đối với sản phẩm OCOP 3 sao khuyến khích đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Việc quy định bắt buộc sản phẩm OCOP 4 sao phải đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa nhận được sự ủng hộ của đông đảo các chủ thể. Ông Bùi Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Thành Nhàn ở xã Thượng Quận (Kinh Môn) cho biết: “Tôi thấy quy định này là cần thiết bởi sẽ tránh được tình trạng làm giả, làm nhái trên thị trường, đồng thời nâng cao được giá trị khi tiêu thụ”.
Theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương), Hải Dương hiện có 118 sản phẩm OCOP 4 sao được bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa, đạt 100% số sản phẩm OCOP 4 sao trong tỉnh.
Thực tế cho thấy, hiện một số chủ sở hữu sản phẩm OCOP mới chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm mà chưa quan tâm bảo hộ cho những sản phẩm bỏ nhiều thời gian, công sức làm ra. Khi sản phẩm nổi tiếng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng biết đến thì có người lợi dụng làm nhái, làm giả. Từ đó, hạ uy tín, gây thiệt hại cho các chủ thể, còn người tiêu dùng thì sử dụng sản phẩm kém chất lượng. Việc bắt buộc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm OCOP là cần thiết, giúp chính chủ thể bảo vệ được sản phẩm của mình.
THANH HÀ