Với sứ mệnh của một người lính chiến đấu cho hòa bình, chiến sĩ Chu Cẩm Phong đã để lại cho chúng ta tấm gương cao đẹp về lòng yêu nước và đức hy sinh của người cộng sản.
Và với sứ mệnh của một nhà văn, ông đã để lại cho chúng ta khát vọng hòa bình bất diệt và chủ nghĩa nhân văn cao cả trong từng trang viết.
Một tâm hồn lớn lao, một trái tim quả cảm
Trong cuốn kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam phần trích lục về nhà văn Chu Cẩm Phong không nhiều. Bạn đọc chỉ biết ông tên thật là Trần Tiến, sinh ngày 12.8.1941 tại Hội An, Quảng Nam; là thiếu niên tập kết ra Bắc từ năm 1954, theo học phổ thông ở trường miền Nam tại Hải Phòng. Tốt nghiệp Đại học văn Hà Nội năm 1964, rồi về Nam chiến đấu với nhiệm vụ của một phóng viến chiến trường.
Nhưng với những bài viết nhắc lại những hồi ức, kỷ niệm của các nhà văn, thầy giáo đã từng một thời dạy Chu Cẩm Phong, sống và chiến đấu cùng ông ở chiến trường như GS Hà Minh Đức, một nhà giáo già ở Hải Phòng từng là thầy chủ nhiệm của Chu Cẩm Phong năm học cấp 2, nhà văn Thái Bá Lợi, nhà văn Bùi Minh Quốc, nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhà lý luận phê bình văn học Ngô Thảo… bạn đọc sẽ nhận ra sau khuôn mặt hiền lành, thư sinh là một tâm hồn lớn lao, một trái tim quả cảm của một nhà văn-chiến sĩ.
Ít ai biết rằng, năm 1963 khi đang học năm thứ ba đại học, nhà văn Chu Cẩm Phong đã được kết nạp vào Đảng. Những năm tháng học ở trường Đại học, Chu Cẩm Phong là một sinh viên giỏi. Tốt nghiệp loại xuất sắc vào cuối năm 1964, được chọn đi học tiếp ở nước ngoài, nhưng Chu Cẩm Phong đã không chọn con đường ấy mà xin vào Nam chiến đấu.
Theo nhà văn Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung: chính vì muốn cuộc đời mình "phong sương", ôm ấp khát vọng của một thanh niên trí thức, một Đảng viên Cộng sản trẻ giữa thời buổi đất nước chia đôi miền, Chu Cẩm Phong đã chọn lên đường, chọn ra mặt trận, thay vì tiếp tục đi nước ngoài học tập như cách mà nhà trường đã sắp xếp cho anh.
Để rồi vào một buổi sáng ngày 1.5.1971, trên mảnh đất bên sông Thu Bồn, thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, đã diển ra một cuộc chiến đẫm máu, không cân sức của Chu Cẩm Phong cùng với những người du kích đất Quảng chống lại một đơn vị lính ngụy đi càn. Chúng đã phát hiện ra căn hầm bí mật nơi Chu Cẩm Phong đang ém quân. Nhà văn, nhà báo Chu Cẩm Phong cùng với những người du kích đã chống trả kẻ thù đến hơi thở cuối cùng.
Giáo sư Hà Minh Đức, từng dạy Chu Cẩm Phong tại Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng không thể quên được chàng sinh viên miền Nam, là Bí thư Đoàn lớp văn K5: "Thời gian không lặng lẽ trôi mà khắc ghi những tấm gương anh hùng, và Chu Cẩm Phong là một trong những cá nhân anh hùng ấy, một niềm tự hào của Đại học Tổng hợp Hà Nội".
Nhà văn anh hùng
Tác phẩm quan trọng nhất ông để lại cho đời là Nhật ký chiến tranh, một tập hợp những ghi chép thường ngày của Chu Cẩm Phong tại chiến trường, bắt đầu từ 11.7.1967 và kết thúc vào 24.4.1971, bảy ngày trước khi nhà văn hy sinh (1.5.1971).
Vượt ra ngoài ý định của người ghi, như một nét riêng của văn học Việt Nam kháng chiến, Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong tự thân nó cứ chứa đựng một giá trị văn học độc đáo.
Nhật ký chiến tranh cho thấy cách xử thế, quan niệm sống, tinh thần xả thân vì Tổ quốc, tình yêu lớn lao đối với quê hương và tình yêu thương con người của nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong. Ông đã viết: - Ngày 1.10.1967: “... Công tác văn nghệ sắp đến cũng rất nặng nề và khẩn trương - tất nhiên sứ mệnh của nó cũng rất vẻ vang. Đã đến lúc không thể đi được nữa mà phải chạy, chạy tốc lực. Đến lúc rồi đây. Hãy đem cả sức lực, trí tuệ và tài năng mình hy sinh cho nhiệm vụ lịch sử này”.
- Ngày 8.1.1970: “Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể sẽ hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình, và nhất là mẹ, sẽ đau khổ đến dường nào. Mình biết điều đó. Mình là đứa con trai được cả nhà yêu thương... Nhưng dầu thế nào, mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình: dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn, cũng Hạnh phúc lắm thay!”.
Đấy là tâm nguyện thầm kín của Chu Cẩm Phong được ghi trong nhật ký cho riêng mình và cái thầm kín ấy đã hiện thành hành động sống hàng ngày của ông.
Nhà thơ Thanh Quế, người từng công tác với Chu Cẩm Phong ở khu V từng nhận xét: "Chu Cẩm Phong được phong tặng Anh hùng, không chỉ vì đã dũng cảm chiến đấu vào giây phút cuối cùng khi địch khui hầm gọi hàng; không chỉ ở việc gương mẫu, đi đầu trong công tác, chiến đấu suốt những năm 1964-1971 ở chiến trường miền Nam mà còn ở thành tích sáng tác của anh - với tư cách một nhà văn. Anh đã dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh để len lỏi vào những vùng sâu, căn cứ địch, sống với du kích, cán bộ cơ sở để vừa công tác, vừa lấy tài liệu sáng tác".
Sự nghiệp văn học trong hơn 3 năm của nhà văn Chu Cẩm Phong còn có những phẩm khác như: Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám, Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt Biển-Mặt trận, Rét tháng Giêng, Mẹ con chị Hiền. Những tác phẩm này là sự đúc kết những trải nghiệm, hiện thực sống động và khắc nghiệt của chiến trường. Năm 2007, nhà văn Chu Cẩm Phong được Nhà nước truy tặng Giải thưởng về văn học-nghệ thuật và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2010, là nhà văn duy nhất trong lịch sử của Hội Nhà văn Việt Nam được phong tặng danh hiệu cao quý này.
Bản thân cuộc đời chiến đấu và những trang viết ít ỏi của nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong là một cuốn tiểu thuyết sinh động, chân thực và giàu sức sáng tạo. Cuộc đời ấy là sự hóa thân vĩ đại của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, cùng với những giá trị truyền thống của dân tộc.
Theo TTXVN