Chồng tôi yêu cầu phải biếu ông bà nội 20 triệu nếu muốn về ngoại đón Tết.
Tôi lấy chồng cách nhà 300 km. Ngày mới yêu anh, mẹ tôi sợ con gái lấy chồng xa quê sẽ khổ đủ đường nên khuyên nhủ suy nghĩ lại.
Tình yêu ở giai đoạn mãnh liệt nhất, chẳng có gì cản nổi. Tôi quyết tâm lựa chọn theo tiếng gọi con tim.
Gia đình chồng tôi cũng khá giả. Bố mẹ chồng tôi khó tính, có phần bảo thủ.
Ảnh: B.N |
Ông bà trọng con trai, không thích con gái. Mặc dù có 4 người con nhưng bố mẹ chồng tôi chỉ chăm chút cho 2 cậu con trai. Hai cô con gái học xong cấp 3, tự đi làm thuê, tạo lập cuộc sống.
Chính vì cách sống như vậy nên hai chị chồng tôi không mặn mà với bố mẹ đẻ. Mỗi tháng họ chỉ qua thăm vài lần cho phải phép.
Mọi thứ bố mẹ chồng tôi vun vén hết cho con trai. Khi về làm dâu, tôi gặp áp lực lớn vì chuyện này.
Trong suy nghĩ của mẹ chồng, tôi may mắn mới được con trai bà để mắt đến. Vì yêu chồng, tâm huyết xây dựng tổ ấm nên tôi nín nhịn hết.
Tôi làm môi giới bất động sản, thu nhập rất khá, có khi còn cao hơn chồng. Thiết bị gia đình, chi tiêu ăn uống chủ yếu là tôi lo. Chồng tôi lương tháng cao nhất cũng chỉ 10 triệu đồng.
Tết năm ngoái, tôi ở cữ nên không về được ngoại. Suốt một năm bận rộn, dịch bệnh Covid-19 nên tôi cũng chưa có cơ hội đưa cháu về thăm bố mẹ.
Tết năm nay, tôi muốn đưa con về ngoại đón Tết. Từ đầu tháng 12 âm lịch, tôi lên kế hoạch biếu xén hai bên, bàn bạc với chồng xin phép bố mẹ cho mình về ngoại.
Ban đầu chồng tôi đồng ý, hứa sẽ thuyết phục bố mẹ. Thế nhưng tối đó, sau khi nhỏ to với mẹ, anh đã thay đổi quan điểm.
Chồng truyền đạt ý kiến của mẹ: “Mẹ nói anh là con trưởng, có trách nhiệm thờ phụng, hương khói. Cả năm có mấy ngày Tết, mời các cụ về thụ lộc, phải làm cơm cúng tươm tất. Mùng 6 Tết trở ra, em muốn đi đâu thì tùy”.
Lời chồng nói khiến tôi thất vọng, nản thực sự. Mẹ đẻ gọi điện liên tục, hỏi xem hôm nào về, bà còn nói đã sắm cho cháu ngoại quần áo, sữa bỉm đầy đủ. Khi về, thuê xe taxi, bà sẽ trả tiền.
Tôi nghĩ, cả năm tôi ở nhà chồng đã làm tròn bổn phận, Tết cũng phải cho tôi về ngoại báo hiếu bố mẹ.
“Mỗi năm ăn Tết một bên cho công bằng. Em lấy chồng xa, hè cũng không về, giờ Tết cũng không được về. Anh nghĩ cho bố mẹ anh cũng nên nghĩ cho bố mẹ em. Em là con gái độc nhất, Tết có hai ông bà thui thủi với nhau, anh có xót xa không”, tôi nói.
Chồng nghe xong, giữ im lặng càng khiến tôi bực bội. Hai vợ chồng cãi vã một lúc, anh mới lộ ra chuyện, hôm trước bàn chuyện biếu Tết, tôi đề xuất biếu nội ngoại mỗi bên 5 triệu. Riêng bên nội, tôi sẽ mua thêm thực phẩm cúng bái. Thế nhưng, khi anh thông báo với mẹ chuyện biếu Tết, bà có vẻ không hài lòng.
Quan điểm của bà, phụ nữ đi làm dâu, mọi thứ phải lo cho nhà chồng trước. Tiền bạc làm ra được cũng nhờ hồng phúc tổ tiên nhà chồng nên biếu 5 triệu chưa đủ. Bà còn bóng gió, sợ tôi vun vén cho nhà ngoại nên không đồng ý cho về.
Chồng tôi bất ngờ đưa ra yêu cầu, biếu ông bà nội 20 triệu tiêu Tết mới được về ngoại. “Em cứ rộng tay đưa bà nội 20 triệu, rồi muốn đi đâu thì đi. Lúc đó tâm lý bà thoải mái, sẽ chẳng trách móc gì vợ chồng mình”.
Tôi thấy đề xuất của chồng hơi vô lý nên lưỡng lự. Từ ngày về làm dâu, tôi chưa bao giờ để bố mẹ chồng phải thiệt thòi bất cứ điều gì. Tiền bạc tôi làm ra nhưng để được về với bố mẹ đẻ mà phải chi 20 triệu đồng, tôi thấy không đáng.
Cuối năm, một số khoản hoa hồng môi giới bán đất chưa được thanh khoản nên tiền chi cho toàn bộ Tết của tôi cũng chỉ gói gọn trong 20 triệu. Nếu đưa hết cho mẹ chồng, tôi chẳng còn đồng nào về ngoại.
Trước tình thế này, tôi bối rối chưa biết nên xử lý thế nào? Tôi nên làm gì để giữ gìn hòa khí mà vẫn được về ngoại đây?
Theo Vietnamnet