Chống xuống cấp đạo đức xã hội từ gia đình

27/05/2014 17:59

Trong khoảng mươi năm trở lại đây, chúng ta hay nói đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội.


Đạo đức xã hội xuống cấp là có thật, thậm chí là ở mức độ tương đối nghiêm trọng. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội được biểu hiện bằng những hành động cụ thể của những con người cụ thể, ở một địa chỉ cụ thể như việc cướp của, giết người, trộm cắp, lừa đảo, hiếp dâm, tham ô... Đó là chuyện đâm giết nhau ở quán rượu, quán hát ka-ra-ô-kê, ở đám cưới, đám tang... Không chỉ người lạ với nhau mà bố con, anh em ruột cũng từng chém giết nhau. Rồi việc lừa tiền, lừa tình khiến bao người khốn đốn; việc bán người ra nước ngoài, bán vào các nhà chứa, các ổ mại dâm... Cả việc loạn luân như bố đẻ hiếp dâm con gái, mẹ vợ thông dâm với con rể, việc đánh ghen lột đồ tình địch giữa đường... mà nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử đã từng đề cập rất nhiều đến nỗi một số người không thích đọc nữa vì cảm thấy nó nặng nề, u tối.

Những hành động xấu xa ấy, ta quy về đạo đức xã hội là không sai nhưng cụm từ “đạo đức xã hội” làm cho ta có cảm giác rằng những tội lỗi nói trên là của xã hội, là của chung, do xã hội gây ra, chứ không phải là một thực thể cụ thể nào. Trong lúc đó thì những hành động xuống cấp của đạo đức xã hội lại xảy ra ở làng ta, xã ta, huyện ta; của nhà ta, họ ta; của ngay người ruột thịt hoặc bạn bè của ta.

Mỗi hành động xuống cấp của đạo đức xã hội bao giờ cũng gắn với một con người cụ thể, có tên tuổi, có gia đình, có quê quán cụ thể. Chính vì thế, ta không thể đổ lỗi chung chung cho xã hội hay cho hoàn cảnh lịch sử được mà phải nhận thức rằng dù trực tiếp hay gián tiếp thì mọi hành động phạm pháp đều có xuất xứ từ gia đình, sau đó mới là xuất xứ ở nhà trường hoặc môi trường xã hội. Lý do đơn giản là hàng nghìn học sinh cùng học một trường, hàng triệu cá nhân hoặc gia đình cùng chung một môi trường xã hội nhưng có phải ai cũng phạm tội cả đâu. Nhiều học sinh, nhiều hộ, nhiều cá nhân vẫn rất tốt, rất đạo lý kia mà.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến việc cùng sống trong môi trường xã hội mà gia đình này có người phạm tội, gia đình kia lại không? Có 2 loại gia đình rất dễ để con cái phạm tội. Thứ nhất là gia đình quan chức hoặc giàu có mà buông lơi sự dạy bảo con cái, để con cái quen ăn chơi, đòi gì có nấy, coi trời bằng vung, sống đua đòi dẫn đến vi phạm đạo đức. Thứ hai là những gia đình đã đổ vỡ hạnh phúc dẫn đến con cái thất học, không nơi nương tựa, vô giáo dục rồi đi vào con đường tội lỗi. Ta không phủ nhận nguyên nhân xã hội như mặt trái kinh tế thị trường, ảnh hưởng do phim ảnh, lối sống thực dụng, sự giáo dục của nhà trường và đoàn thể có phần kém hiệu quả, nhưng nguyên nhân gia đình vẫn là số một.

Từ những điều đã nói ở trên, tôi nghĩ có bốn biện pháp để góp phần diệt trừ tận gốc mọi hành động vi phạm đạo đức xã hội.

Một là xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm để mọi người thấy được gia đình là vô cùng cần thiết đối với mọi cá nhân, mọi lứa tuổi. Thiếu gia đình là không thể được. Gia đình còn là bệ phóng cho con em vươn tới tương lai, hạnh phúc. Muốn vậy, mọi người phải thương yêu nhau. Tình thương yêu là yếu tố đặc biệt làm nên sự khác biệt giữa gia đình với tổ chức xã hội. Tình thương yêu ở gia đình xuất phát từ yếu tố huyết thống. Nhờ có tình thương yêu mà mọi người hết lòng vì nhau, che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng nhau. Mọi người có thể nhịn đói, mặc rét vì nhau, thậm chí hy sinh vì nhau. Những tấm gương tốt của cha mẹ với con cái, anh với em và ngược lại từ xưa đến nay không hề ít.

Hai là xây dựng được nếp nhà (gia phong) để mọi người cùng tuân theo. Nếp nhà trước hết là phải chăm lao động dù lao động chân tay hay trí óc, dù làm nghề nông hay bất cứ nghề gì cũng không được lười biếng. Một gia đình có công ăn việc làm là một gia đình vui, luôn có khí thế đi lên và tránh được “Nhàn cư vi bất thiện”. Còn việc ở đâu ra? Việc phải do chính mình “bới” ra, tìm ra, sáng tạo ra, bỏ lối trông chờ vào người khác. Có làm là có ăn. “Tay làm hàm nhai”, ông cha ta từng dạy thế.

Nếp nhà còn là đạo lý và cách ứng xử đẹp trong các mối quan hệ: vợ chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em, xóm giềng, họ mạc... Cả cách ăn nói nữa bảo đảm cho một gia đình thân tình, vui vẻ mà vẫn trên ra trên, dưới ra dưới, trên kính dưới nhường, hòa thuận... Nói cách khác, cha mẹ không chỉ dạy con lao động, dạy đạo lý mà còn dạy từ những điều rất nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày. Cách dạy tốt nhất là cha mẹ hãy thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Ba là xây dựng gia đình thành một trường học toàn diện. Bằng giá nào cũng không để cho con cái thất học. Cha mẹ, ông bà càng không thể là người mù chữ. Với con cháu trong gia đình, ngoài việc học ở trường thì gia đình còn là một môi trường học tập rất lý thú kể cả trong phạm vi sách vở và thực tiễn. Chính tủ sách gia đình và công việc hằng ngày là điều kiện rất tốt cho tuổi trẻ trong quá trình học tập.

Bốn là cha mẹ cần quản lý con một cách kịp thời và khéo léo để nắm được tâm lý, tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng, ước mơ, sở thích, sức khỏe, mối quan hệ bạn bè của các con... không phải để quản thúc con mà là để định hướng đi đúng cho con; thậm chí để ngăn chặn một việc làm nào đó nếu thấy có dấu hiệu xấu. Cách quản lý con tốt nhất không phải là đề ra quy định khô cứng bắt con phải thế này phải thế kia hoặc hạch sách, tra khảo, đánh đập, chửi mắng mà tốt nhất là sống cởi mở, tình cảm với con để con có thể tâm sự, giãi bày những suy nghĩ, ước nguyện, sở thích của mình.

Ngoài bốn biện pháp của gia đình thì xã hội cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục không chỉ đối với lớp trẻ mà là với mọi lứa tuổi. Các tổ chức như công an, đoàn thể, nhà trường, cơ sở sản xuất, các tổ hòa giải nơi thôn xóm, dòng họ... đều phải có trách nhiệm ngăn chặn mọi biểu hiện xuống cấp của đạo đức xã hội.

Làm được như vậy, chắc chắn từng bước chúng ta sẽ lấy lại được sự lành mạnh của đạo đức xã hội. Hạnh phúc sẽ về với mọi người và mọi nhà.


VĂN DUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống xuống cấp đạo đức xã hội từ gia đình