Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách khu vực hộ kinh doanh cá thể, góp phần tăng nguồn thu...
Chi cục Thuế TP Hải Dương tăng cường kiểm tra các hộ kinh doanh cá thể để xác định mức thuế nộp đúng thực tế
Yêu cầu cấp thiếtTrong những năm qua, hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh quy mô hộ cá thể ngày càng phát triển, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Mặc dù số thu từ hoạt động kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu ngân sách, nhưng lại có đóng góp lớn vào sự ổn định tình hình kinh tế địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể gặp nhiều khó khăn do trình độ hiểu biết pháp luật về thuế của các hộ còn hạn chế. Chính quyền cơ sở, nhất là Hội đồng tư vấn thuế của các xã, phường, thị trấn chưa chủ động vào cuộc, chưa sát cánh cùng cơ quan thuế ở địa phương khiến việc phối hợp trong công tác quản lý thuế còn lỏng lẻo. Mặt khác, chất lượng quản lý thuế của một số đội thuế liên xã, phường, thị trấn trong lĩnh vực này còn hạn chế nên việc thu thuế hộ kinh doanh cá thể chưa cao. Nhiều hộ không chấp hành tốt việc nộp thuế theo quy định, gây thất thu cho NSNN.
Ông Vũ Thái Dương, Trưởng phòng Tổng hợp - Nghiệp vụ - Dự toán (Cục Thuế tỉnh) cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng đề án chống thất thu NSNN khu vực kinh tế cá thể. Mục tiêu của đề án này là nhằm tăng cường công tác quản lý, chống thất thu ngân sách, động viên và tạo điều kiện cho hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ của mình đối với NSNN, bảo đảm công bằng trong việc xác định nghĩa vụ thuế đối với các hộ kinh doanh. Cục Thuế tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh, kiểm tra, rà soát tình hình quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể tại một số huyện, thành phố, thị xã ở một số ngành, nghề kinh doanh mang tính đặc thù như: kinh doanh vàng bạc, đá quý, khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, cho thuê nhà... Cục Thuế tỉnh yêu cầu các phòng chuyên môn, Chi cục Thuế các huyện, thành phố, thị xã tiến hành khảo sát, kiểm tra việc thực hiện miễn giảm thuế đối với hộ kinh doanh bao gồm cả việc xác định hộ có thu nhập thấp; khảo sát, kiểm tra việc áp dụng phương pháp tính thuế, chuyển đổi phương pháp tính thuế...
Tăng thu, tạo công bằng trong kinh doanhTừ khi triển khai đề án đến hết năm 2014, số lập bộ quản lý thuế môn bài tăng 2.385 hộ; bộ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân mỗi tháng tăng 646 hộ, tiền thuế tăng 2 tỷ đồng so với năm 2013. Riêng về hộ khoán thuế, nhiều Chi cục Thuế có tỷ lệ thuế tăng cao trên mức chung toàn tỉnh như: Kinh Môn tăng 146%, Tứ Kỳ tăng 141%... Năm 2015, Cục Thuế tỉnh tiếp tục rà soát, kiểm tra nhằm xác định đủ số lượng hộ kinh doanh đang hoạt động để đưa vào diện quản lý thuế. Xác định doanh số kinh doanh phù hợp với thực tế đối với nhóm hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô, doanh số lớn, hoạt động kinh doanh tại các khu buôn bán lớn, chợ đầu mối quan trọng, nhà hàng ăn uống, dịch vụ lưu trú, kinh doanh vận tải. Đối với nhóm hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô, doanh số trung bình, trong bối cảnh kinh tế năm 2015 dự báo vẫn còn tiếp tục khó khăn, Cục Thuế tỉnh tiến hành rà soát để xác định mức thuế tăng hợp lý trên cơ sở tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá, bảo đảm không gây xáo trộn khi áp dụng luật thuế mới. Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh tiếp tục tập trung rà soát, xác định các hộ, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, không có địa điểm kinh doanh cố định tại các điểm bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống, kinh doanh ăn uống… có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để thực hiện miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo luật định. Sau khi rà soát, kết quả lập bộ đối với hộ kinh doanh năm 2015 là 11.581 hộ, tăng 3% so với kế hoạch; số tiền thuế đạt 92,7 tỷ đồng, bằng 96% so với dự toán năm. So với năm 2014, số hộ kinh doanh được lập bộ tăng 33%; số thuế xác định tăng 77%.
Ông Nguyễn Đức Khoáng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, việc thực hiện đề án không chỉ giúp tăng thu cho ngân sách, chống thất thu khu vực hộ kinh doanh cá thể mà còn giúp người nộp thuế nâng cao nhận thức, chấp hành tốt pháp luật về thuế, tạo ra sự công bằng trong hoạt động kinh doanh. Đề án cũng góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong việc tổ chức chỉ đạo, điều hành để triển khai có hiệu quả chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách thuế nói riêng. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức ngành thuế trong việc chủ động triển khai và tham mưu nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án còn những hạn chế như một số cấp uỷ chính quyền và ban chỉ đạo cơ sở chưa tích cực vào cuộc nên việc thực hiện nội dung của đề án chưa đạt yêu cầu đề ra. Lãnh đạo Chi cục Thuế các huyện, thành phố, thị xã chưa quan tâm đúng mức. Thực hiện quản lý thuế theo quy trình, hồ sơ, hiệp y với Hội đồng tư vấn thuế còn hạn chế dẫn đến tình trạng bỏ sót hộ chưa đưa vào quản lý, xác định doanh thu tính thuế thấp hơn rất nhiều so với thực tế kinh doanh tại một số địa bàn. Tình trạng nợ đọng thuế đối với khu vực kinh tế cá thể còn chưa được xử lý dứt điểm. Công tác phối hợp thu thập thông tin trong và ngoài ngành còn hạn chế. Việc phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường hiệu quả không cao dẫn đến công tác thống kê số hộ kinh doanh trên từng địa bàn không sát thực tế. Các hộ kinh doanh chưa tự giác trong việc kê khai, nộp thuế theo quy định.
Thời gian tới, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn, Chi cục Thuế các huyện, thành phố, thị xã tập trung khắc phục những hạn chế, thiếu sót để đưa công tác quản lý hộ kinh doanh cá thể vào nền nếp, chống thất thu cho NSNN.
VỊ THỦY