Chống rét cho cây trồng, vật nuôi

12/01/2021 06:03

Trước thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nông dân trong tỉnh đã chủ động các biện pháp giữ ấm cho cây trồng, vật nuôi.


Các hộ chăn nuôi chủ động điều chỉnh lượng thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh, không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài với nhiệt độ thấp nhất chỉ từ 6-8 độ C. Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, nông dân trong tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Xã Quyết Thắng (TP Hải Dương) là một trong những địa phương gieo cấy mạ dược nhiều của tỉnh do có nhiều diện tích ruộng trũng. Gieo mạ dược phải mất hơn 1 tháng nên khó tránh khỏi các đợt rét. Vì thế, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp chống rét cho mạ. Không chỉ bón tro giữ ấm chân mạ, nông dân còn dùng nilon phủ kín toàn bộ diện tích mạ và điều tiết nước thường xuyên, đêm tháo nước ra, ngày lại đưa vào để mạ thích nghi. Bà Lê Thị Thương ở thôn Hoàng Xá 2 cho biết: "Mạ dược khỏe cây nhưng nếu chủ quan mạ sẽ bị chết rét, phải gieo lại, ảnh hưởng tới lịch thời vụ. Hiện toàn bộ diện tích mạ của nhà tôi đã được che phủ kín bằng nilon nên tôi cũng yên tâm hơn".

Hiện toàn tỉnh có khoảng 500 ha mạ dược, tập trung ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Kim Thành… Mạ mới đạt từ 1,5-2,5 lá, rất nhạy cảm với thời tiết. Nếu nhiệt độ dưới 13 độ C kéo dài từ 5-7 ngày mà mạ không được bảo vệ thì nguy cơ bị chết rét rất cao.

Trang trại nuôi gà của gia đình ông Vũ Xuân Chuyển ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) đang nuôi khoảng 3.000 con. Trước tình hình rét đậm, rét hại, ông Chuyển đã căng bạt che kín xung quanh các chuồng gà để chắn gió lùa. Bên trong các chuồng cũng được lắp đặt hơn 40 chiếc bóng đèn sưởi để giữ ấm cả ngày và đêm cho đàn gà. Ông còn bổ sung vitamin vào thức ăn, nước uống hằng ngày để tăng sức đề kháng cho đàn gà. “Tôi thường xuyên theo dõi tình trạng của đàn gà để kịp thời phát hiện, xử lý nếu có dấu hiệu gà bị hen hoặc ốm yếu do nhiễm lạnh”, ông Chuyển cho biết.


Bà Lê Thị Thương ở thôn Hoàng Xá 2, xã Quyết Thắng (TP Hải Dương) đã dùng nilon phủ kín toàn bộ diện tích mạ

Trong những ngày giá rét, ông Đặng Xuân Quyện, Giám đốc HTX Thủy sản xã Đoàn Kết (Thanh Miện) phải đến nhà từng thành viên hướng dẫn mọi người thực hiện các biện pháp chống rét cho cá. Theo đó, các ao nuôi đều được tăng mực nước lên từ 20 - 40 cm so với trước, bảo đảm độ sâu trong ao từ 2 m nước trở lên để giữ ấm cho đàn cá. Vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối, các hộ tăng cường sử dụng máy sục khí nhằm tăng lượng ô xy trong ao và làm ấm nguồn nước. Khi nhiệt độ dưới 15 độ C thì ngừng cho cá ăn và chỉ cho ăn lại khi nhiệt độ tăng, trời hửng nắng. Ông Quyện cho biết HTX chủ yếu nuôi cá rô phi. Đây là giống cá rất mẫn cảm với nhiệt độ thấp. Mặc dù cá chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nhưng nếu nhiệt độ xuống thấp trong nhiều ngày tới thì cá rất dễ bị bệnh và chết. Ngoài các biện pháp chống rét cho cá, HTX cũng khuyến cáo người dân tranh thủ thu hoạch các loại cá đã đạt trọng lượng xuất bán để tránh bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại kéo dài.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, rét đậm, rét hại kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Vì thế chủ trang trại cần chủ động thực hiện các biện pháp chống rét như gia cố, che chắn chuồng trại; không chăn thả trâu bò khi nhiệt độ dưới 13 độ C. Tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Người chăn nuôi cũng cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi bằng vôi bột, hóa chất khử khuẩn để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trang trại.

  PV

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong tháng 1 trên địa bàn tỉnh sẽ có từ 3-4 đợt rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất từ 6-8 độ C, độ ẩm không khí từ 30-50%. Tổng lượng mưa phổ biến từ 20-40 mm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống rét cho cây trồng, vật nuôi