Thời tiết nắng nóng kéo dài cộng với nhiệt độ trong ngày cao nên người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ cho đàn vật nuôi.
Làm mát chuồng trại
Cần có hệ thống cửa sổ và quạt thông gió để lưu thông không khí, trồng nhiều cây bóng mát xung quanh chuồng nuôi hoặc dùng rơm rạ, bèo tây, các loại lá cây để che phủ lên mái chuồng. Với chuồng trại kín cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi, tránh trường hợp mất điện.
Vào thời điểm có nhiệt độ cao nhất trong ngày cần phun nước trực tiếp lên mái chuồng. Khi dùng nước để phun chống nóng, người nuôi cần quan tâm đến việc tăng cường thông gió và thoát nước để tránh độ ẩm tăng cao trong chuồng nuôi.
Đối với chăn nuôi lợn, có thể phun nước trực tiếp vào chuồng nuôi nhưng cần lưu ý không lấy nước từ sông ngòi, kênh mương để phun nhằm phòng tránh lây lan của dịch tả lợn châu Phi. Trường hợp chăn nuôi với số lượng lớn, mật độ cao cần tăng thêm ô chuồng, giãn mật độ nuôi, tăng thêm số lượng máng ăn, máng uống, tăng cường quạt thông gió để giảm thiểu các khí CO2, NH3...
Bổ sung thức ăn
Với trâu bò cần cho ăn đủ cỏ xanh và bổ sung thêm thức ăn tinh (từ 1 - 3 kg/con/ngày), cung cấp đủ nước sạch để gia súc uống. Nên tắm chải 2 lần trong ngày bằng nước mát để giảm nhiệt độ cơ thể cho vật nuôi. Chăn thả vào thời gian sáng sớm và chiều mát. Nên buộc trâu bò ở những nơi có bóng mát. Không để gia súc làm việc nặng hay làm việc quá lâu trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Với lợn, cần bảo đảm lượng thức ăn tinh và bổ sung các loại khoáng, vitamin, điện giải để nâng cao sức đề kháng. Tắm cho lợn 1-2 lần/ngày, cho uống đủ nước, uống Bcomplex, chất điện giải (đặc biệt là vitamin C). Những ngày nắng nóng kéo dài chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp vào ban ngày sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Thường xuyên bảo đảm đủ nước mát cho gia súc uống. Hạn chế đến mức tối đa việc vận chuyển, xuất nhập gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng.
Phòng bệnh
Làm tốt công tác vệ sinh thú y, tăng cường vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ sinh ra từ phân và chất thải. Vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống, đặc biệt không để thức ăn dư thừa trong máng dễ gây ôi thiu. Nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác.
Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi... gây bệnh trong mùa hè (dùng các loại thuốc sát trùng thông dụng như Virkon, Hanamid, HanIod, Hantox, Formalin...). Tiêm phòng các loại vaccine cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
KHÁNH HÒA (tổng hợp)