​Chống lây nhiễm trong bệnh viện

24/04/2018 14:00

Công tác chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện được ngành y tế quan tâm chỉ đạo thường xuyên, tuy nhiên không ít cơ sở còn xem nhẹ nên đã xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Câu chuyện đau xót từ vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh là một bài học cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Cả 4 trẻ đều bị sốc nhiễm khuẩn đường huyết và việc nhiễm khuẩn có thể liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện.

Bệnh viện Nhi Hải Dương trung bình một ngày có gần 200 trẻ em đến khám, trong đó điều trị nội trú cho gần 300 bệnh nhân, nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn viêm đường hô hấp chiếm số lượng lớn. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiến hành phẫu thuật cho gần 500 trẻ, ngoài ra còn rất nhiều cháu bé đẻ thiếu tháng, nhẹ cân được nuôi trong lồng ấp nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Thạc sỹ Nguyễn Đình Thạnh, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: Bệnh viện đặc biệt chú trọng công tác chống nhiễm khuẩn như: vệ sinh phòng bệnh, khu điều trị, trang thiết bị đúng quy trình; tất cả các nhân viên y tế khi làm thủ thuật, trước, trong và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân hoặc làm thủ thuật phải tiến hành sát khuẩn tay bằng dung dịch hóa chất diệt khuẩn. Bệnh viện thường xuyên kiểm tra công tác chống nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng qua đó kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót; phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức tập huấn về công tác chống nhiễm khuẩn và xử trí các tình huống khi bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn… 

Đối với ngành y tế, để triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, giảm thiểu lây nhiễm bệnh trong bệnh viện, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành rà soát và triển khai thực hiện nghiêm các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; cung cấp đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn; sàng lọc, giám sát phát hiện sớm, cách ly sớm người bệnh truyền nhiễm, người bệnh nhiễm sinh vật đa kháng sinh, đặc biệt đối với nhóm người có nguy cơ cao dễ nhiễm như nhóm người đang phải thở máy, người bệnh suy giảm miễn dịch, người bệnh có can thiệp xâm lấn, trẻ sơ sinh non yếu… Các đơn vị sơ sinh, hồi sức cấp cứu, ngoại khoa phải tuân thủ chặt chẽ quy trình phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuyệt đối không để bệnh nhân nằm ghép trong khu vực sơ sinh, hồi sức, ngoại khoa. Xây dựng các quy trình, cụ thể hóa từng nội dung hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn cho phù hợp điều kiện thực tế. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhân viên y tế tại đơn vị về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm bệnh. 

Bà Vũ Thị Mai Lan, Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: Khó khăn nhất đối với công tác chống nhiễm khuẩn hiện nay của ngành y tế là một số bệnh viện cơ sở hạ tầng xây dựng đã lâu, giờ đang bị xuống cấp nên khó bảo đảm công tác chống nhiễm khuẩn. Trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn ở một số đơn vị chưa được quan tâm nhiều. Cán bộ làm công tác kiểm soát chưa được đào tạo chuyên ngành về kiểm soát nhiễm khuẩn, thiếu nhân lực, vật lực, ý thức cộng đồng chưa thật tốt, chưa tuân thủ đúng nội quy khi vào thăm bệnh nhân cấp cứu tại phòng cách ly. Kinh phí đầu tư cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, chính sách ưu đãi, thu hút những người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp để họ yên tâm công tác và cống hiến tâm huyết cho ngành…

Nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra do nhiễm khuẩn bệnh viện thiết nghĩ ngành y tế cần chỉ đạo các cơ sở điều trị bố trí  đủ nguồn lực, khắc phục những khó khăn, hạn chế hiện nay.  

ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ​Chống lây nhiễm trong bệnh viện