Hàng chục công trình trụ sở cấp xã, điểm trường học, nhà văn hóa thôn, khu dân cư dôi dư sau sáp nhập đang được các cấp, ngành, địa phương đề xuất phương án xử lý để tránh gây lãng phí.
Sau khi nhập với xã Phượng Hoàng (Thanh Hà), trụ sở của xã An Lương cũ hiện đang bỏ không và được bố trí người trông nom thường xuyên
Với mục tiêu cao nhất là ưu tiên sử dụng cho mục đích công, sau sắp xếp, các đơn vị hành chính cấp xã trong tỉnh đang thu xếp, đề xuất giải bài toán dôi dư trụ sở công.
Đề xuất đấu giá
Việc sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã thành 25 đơn vị; nhập 305 thôn, khu dân cư (KDC) dẫn tới trong tỉnh đang có hàng chục công trình trụ sở cấp xã, điểm trường học, nhà văn hóa thôn dôi dư. Hầu hết các xã trước sáp nhập đã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên các công trình dôi dư đều cơ bản khang trang, có trị giá lớn, nằm ở các vị trí đẹp của các xã, thị trấn cũ. Lo ngại nguy cơ lãng phí các công trình, tài sản công, cán bộ, nhân dân ở các địa phương đã và đang đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị về xử lý các công trình này. Cử tri ở phường Phả Lại (Chí Linh) trong cuộc tiếp xúc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa qua đề nghị tỉnh cho phép KDC được bán đấu giá nhà văn hóa cũ để tập trung đầu tư, tu sửa, mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa mới của thôn sau sáp nhập...
Trong báo cáo tổng hợp việc rà soát, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý đối với trụ sở các xã sau sáp nhập của huyện Thanh Hà, các xã mới nhập đều đề xuất giao các trụ sở dôi dư cho UBND xã tổ chức bán đấu giá tài sản nhà, đất tạo nguồn kinh phí xây dựng khu trung tâm hành chính công của xã. 2 xã An Phượng, Thanh Quang ở Thanh Hà đang thừa tới 3 trụ sở xã cũ do có 1 xã được sáp nhập từ 3 đơn vị hành chính. Phó Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Nguyễn Duy Hồng cũng đồng tình với đề xuất của các xã vì hiện nay các trụ sở cũ đều đang bỏ không, xã phải tốn thêm kinh phí để thuê người trông nom, bảo vệ. Trong khi khu vực làm việc tập trung của các xã mới thì chật, cũ, thiếu trang thiết bị.
Dù vậy, người dân một số xã mới sáp nhập ở Thanh Hà và các huyện khác chưa đồng tình với kiến nghị của địa phương, bày tỏ mong muốn giữ lại các công trình dôi dư để chuyển sang sử dụng vào các mục đích cộng đồng.
Do quản lý không tốt, phòng làm việc, trang thiết bị của một trụ sở xã cũ đang bị bỏ hoang
Ưu tiên sử dụng vào mục đích công
Đầu tháng 5, sau khi các đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động ổn định, qua kết quả tự rà soát, tổng hợp hiện trạng sử dụng các trụ sở cấp xã sau sáp nhập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTVTU) ban hành kết luận về phương án sắp xếp, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trong tỉnh năm 2020. Theo đó, BTVTU cho ý kiến cụ thể về phương án thu hồi 3 trụ sở của các xã Thượng Đạt (cũ) thuộc TP Hải Dương; Ninh Hòa, Văn Giang (cũ) thuộc huyện Ninh Giang giao cho các đơn vị khác sử dụng. Kết luận cũng chỉ đạo tạm giao các trụ sở cấp xã dôi dư còn lại cho UBND các xã, thị trấn quản lý, tạm thời bố trí một phần cho lực lượng công an chính quy xã, đoàn thể sử dụng làm việc; giao UBND cấp huyện lập quy hoạch chung cho các xã mới thành lập, đề xuất phương án xử lý trụ sở của các xã sau sắp xếp theo nguyên tắc ưu tiên sử dụng cho mục đích công (trường học, khu trung tâm văn hóa, thể thao...).
Cụ thể hóa kết luận của BTVTU, UBND tỉnh, Sở Tài chính và UBND cấp huyện đã triển khai đến các xã mới thành lập. Một số xã đến nay đã áp dụng, thực hiện tốt theo kết luận của BTVTU. Tại xã Đại Sơn (Tứ Kỳ), trụ sở xã Đại Đồng (cũ) đã được gắn biển là cơ sở 2 của xã mới. Xã bố trí 1 Phó Chủ tịch UBND xã, một phần bộ phận "một cửa" và lực lượng công an, quân sự xã làm việc thường xuyên ở đây.
Tại xã Tuấn Việt (Kim Thành, nhập từ 2 xã Tuấn Hưng, Việt Hưng), khu trụ sở cũ của xã Việt Hưng cũng đã chuyển đổi phần lớn cho trường THCS của xã. Nhiều phòng làm việc đã được cải tạo lại, mở lối đi thông sang trường. Một số phòng được bố trí cho các bộ phận đoàn thể làm việc.
Theo ông Phạm Văn Tuân, Trưởng Phòng Quản lý giá và công sản (Sở Tài chính), hiểu rõ mong mỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân ở các đơn vị hành chính mới, tỉnh đã có các biện pháp để sớm chống lãng phí tài sản công. Căn cứ quy hoạch chung, đề xuất của các cấp, Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tỉnh có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh, tham mưu, trình Tỉnh ủy quyết định phương án xử lý cụ thể đối với từng công trình, trụ sở, tài sản công đến tận cấp xã và các thôn, KDC.
Trước mắt có thể có tình trạng lãng phí các trụ sở, tài sản công sau sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, nhưng với mục tiêu ưu tiên cao nhất để sử dụng vào mục đích công, bài toán chống lãng phí tài sản công đã có lời giải. UBND cấp huyện cần sớm lập quy hoạch chung cho các xã mới thành lập. UBND cấp xã cần có trách nhiệm trong bảo vệ, quản lý nguồn lực lớn này, nghiên cứu sử dụng các trụ sở vào mục đích chung, đặc biệt cần bố trí quản lý, bảo vệ tốt tài sản, trang thiết bị, cơ sở vật chất ở các trụ sở đang còn để không.
PV